TÂM THƯ GỬI CÁC CỤ, CÁC BÁC ĐANG AN DƯỠNG TẠI TU VIỆN CHƠN NHƯ – 24/5/2018

                                                                       Tu viện Chơn như, ngày 24 tháng 05 năm 2018.

TÂM THƯ

GỬI CÁC CỤ, CÁC BÁC

ĐANG AN DƯỠNG TẠI TU VIỆN CHƠN NHƯ



Kính thưa các cụ, các bác:

Sau khi đến thăm các cụ, các bác ở khu An Dưỡng, lúc trở về Mật Hạnh có nhiều trăn trở suy tư, nên xin gửi đến các cụ, các bác đôi dòng tâm huyết để khích lệ các cụ, các bác hãy giữ vững niềm tin và tinh tấn tu tập. Các bác ạ, thời gian trôi qua không bao giờ trở lại, do vậy các cụ, các bác hãy quý trọng từng giây, từng phút, từng giờ, hàng ngày siêng năng tu tập, luôn sống với tâm Bất động, Thanh thản, An lạc, Vô sự để vô thường đột ngột có mất thân thì có nơi trở về bình an trong từ trường thanh thản, không còn khổ đau, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.

Ai trong các cụ, các bác cũng đều biết tái sanh đầy đau khổ trùng trùng… Sinh ra, lớn lên, học hành để có nghề nghiệp, rồi già nua, run rẩy, bệnh này, tật khác… thấy rõ sáu trạng thái luân hồi hàng giờ, hàng ngày: vui buồn, đói khát, lo lắng, sân hận, tham lam, đố kỵ, ganh ghét … Thử hỏi một ngày một đêm các cụ, các bác có được bao phút giây “thanh thản, an lạc, vô sự”???

Mật Hạnh sống gần bên đức Trưởng Lão, Mật Hạnh thấy rõ đức Thầy có từ trường bình an, thanh thoát lạ thường dù cho bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra. Bao nhiêu công việc đến tay, nhưng đức Thầy bằng thân giáo luôn xử lý tốt đẹp. Thường khi ngồi chơi một mình, hay khi trả lời tâm thư Phật tử, lúc viết sách, khi đo đạc, cất thất cho tu sinh, khi trồng cây hay khi rửa chén, quét sân… đức Trưởng Lão luôn sáng suốt, cẩn thận kỹ lưỡng, dè dặt chánh niệm trong mọi thân hành. Có được như vậy là vì đức Trưởng Lão luôn sống trong giới luật, đức hạnh, luôn sống trong trạng thái an lạc, vô sự.

Đức Phật ngày xưa cũng vậy, Ngài cũng có thân, thân đức Phật cũng già cỗi, cũng có bệnh đau. Trong kinh Trường Bộ có chép lại một đoạn như sau: “Trong khi Thế Tôn an cư trong mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên rất đau đớn, gần như muốn chết, nhưng Thế Tôn giữ tâm chánh niệm tĩnh giác chịu đựng cơn đau ấy, không một chút rên la (ta thán). Thế tôn tự nghĩ: ‘Thật không hợp lẽ nếu ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận ta, không từ biệt chúng tỳ kheo. Vậy ta hãy lấy sức tinh tấn nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống’.

Rồi Thế Tôn lành bệnh, sau khi lành bệnh không bao lâu đức Phật rời khỏi Tịnh xá…” (Kinh Trường Bộ tập I, trang 582)

Như vậy rõ ràng đức Phật do từ các pháp môn tu tập mà làm chủ sống chết, bệnh tật. Ngày nay chúng ta cũng ngay trên các pháp môn này mà tu tập thì cũng làm chủ sống chết, bệnh tật, cũng có thể kéo dài tuổi thọ, sống chết tự tại như đức Phật ngày xưa.

Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc cũng vậy, sau khi chứng đạo năm 1980, ngài biết sự nghiệp tạo duyên giáo hóa chúng sanh đầy gian nan, đầy sóng gió, ngài đã làm việc suốt 21 tiếng trên ngày. Có những hôm Mật Hạnh chứng kiến Ngài viết sách hàng giờ đồng hồ liền, như hiểu được mạch cảm xúc dòng suy tư tâm huyết sách tấn Phật tử, Mật Hạnh không dám làm gián đoạn công việc của Ngài. Nhiều lúc thấy đức Thầy xong việc Mật Hạnh mới nhẹ nhàng và có lời thỉnh cầu: “Con xin bạch Thầy làm việc vừa sức, tuổi Thầy đã cao”. Nhưng Thầy nói: “Thầy không sao, con cứ yên tâm. Con phụ giúp công việc với Thầy, có nhiều khó khăn lắm, con cần dũng mãnh ráng vượt lên để cùng Thầy chấn hưng Phật pháp”. Nghe vậy Mật Hạnh càng thương Thầy nhiều hơn và tự nhắc mình phải siêng năng hơn nữa để không phụ tình thương yêu của Thầy.

Có những hôm mưa gió trở trời Thầy ho rất nhiều, những tiếng ho khan, liên tục không dứt như xé ruột gan, Mật Hạnh kề bên không làm sao được, chỉ có thể rót ly nước ấm, hay khoác chiếc áo cho Thầy khỏi lạnh. Rồi Thầy vỗ về: “Thầy không sao đâu con, con đừng lo!”.

Dường như lòng yêu thương đối với đệ tử và sự sống của muôn loài chúng sanh quá lớn đến vô lượng nên đức Trưởng Lão với thân gầy ốm, với những cơn ho kéo dài (vì sau chiến tranh Ngài chỉ còn có một lá phổi) Ngài đã nhập vào thiền định kéo dài mạng căn, đã làm nên những việc phi thường để hôm nay Phật tử có được đường lối tu tập đúng chánh pháp, giải thoát thân tâm ra khỏi sự trầm luân đau khổ của kiếp người.

Con người ai cũng phải trải qua những cơn bệnh đau, không nặng thì nhẹ, bệnh đau là không thể tránh khỏi.

Mật Hạnh cũng vậy, tuy chưa già lắm nhưng hàng ngày vẫn luôn chiến đấu với bệnh tật, những cơn đau vô thường đến đi, những cơn đau có lúc quặn thắt tưởng chừng không chịu nổi, nhưng nhờ pháp Như lý tác ý mà Mật Hạnh đã vượt qua.

Có những bệnh chúng ta tác ý chưa vượt qua được thì chúng ta phải trợ phụ thêm thuốc men, nhưng tu tập tác ý đuổi bệnh là chính, uống thuốc chỉ là phụ thôi.

Sau cùng Mật Hạnh kính chúc các cụ, các bác luôn dồi dào sức khỏe, tinh thần vững vàng, thân tâm thường an lạc.

                                                  Kính thư           

 
                                                   Tỳ kheo Thích Mật Hạnh

Văn bản gốc: