Tâm thư ngày 29/4/2009: Dẫn tâm vào đạo

TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
(Ngày 29 tháng 4 năm 2009)

1- Các con nên nhớ câu tác ý là câu DẪN TÂM VÀO ĐẠO. Vậy đạo là cái gì?

ĐẠO là chổ thân tâm không còn đau khổ. Trả lời như vậy các con hiểu chưa? Nếu các con chưa hiểu thì nên xét nghiệm lại thân tâm các con hiện giờ, về tâm có giận hờn, buồn phiền, lo lắng, thương nhớ, sợ hãi hay không? Nếu không thì nó đang im lặng, thanh thản và vô sự đó; về thân, các con có cảm nhận bệnh tật đau nhức chỗ nào không? Nếu không, đó nó đang an lạc và vô sự.

Như vậy ĐẠO GIẢI THOÁT là chỗ “THÂN TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”. Cho nên DẪN TÂM VÀO ĐẠO là dẫn tâm vào chỗ “THÂN TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”.

Ví dụ 1:

1- CẬU BÉ;
2- SỢI DÂY;
3- CON TRÂU.

CẬU BÉ dụ như CÁC CON;

SỢI DÂY dụ như CÂU TÁC Ý;

CON TRÂU dụ như “THÂN TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”.

Khi các con MUỐN TÁC Ý, đó là CẬU BÉ nắm lấy sợi dây cột CON TRÂU.

Khi các con ĐANG TÁC Ý là CẬU BÉ dắt TRÂU.

Khi CON TRÂU bước đi là “THÂN TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”.

Ví dụ 2:

1- TÁC Ý;
2- NGÓN TAY CHỈ;
3- MẶT TRĂNG SÁNG.

a) TÁC Ý: Bắt đầu tu tập, các con chọn chổ nơi yên tịnh vắng vẻ, ngồi bán già hay kiết già hay ngồi trong bất cứ tư thế nào nhưng lưng phải thẳng, không nên khòm lưng cúp cổ hay nghiêng đầu, cúi đầu hay ngưỡng cổ. Đặc biệt ngồi hay đi đứng đầu, lưng không được cúi khòm mà phải gìn giữ ngay thẳng.

Sau khi giữ gìn lưng ngay thẳng thì các con để cho thân tâm yên lặng 1 phút rồi mới tác ý rõ ràng từng chữ một như: “TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”, khi tác ý xong giữ tâm yên lặng thì lúc bấy giờ tâm biết hơi thở ra vô.

b) NGÓN TAY CHỈ: Hơi thở ra vô là ngón tay chỉ mặt trăng. Cho nên khi tác ý xong mà tâm các con chỉ chú ý trong hơi thở thì khác nào các con tu tập ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ, đó là tu tập sai. Các con tu tập như vậy là các con tu tập ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ, chứ không phải tu pháp DẪN TÂM VÀO ĐẠO.

DẪN TÂM VÀO ĐẠO là lúc bấy giờ các con NƯƠNG VÀO HƠI THỞ để biết TÂM BẤT ĐỘNG. Các con biết cách tu tập như thế này chưa?

c) MẶT TRĂNG: Mặt trăng chính là TÂM BẤT ĐỘNG của các con. Như vậy NƯƠNG HƠI THỞ ĐỂ NHÌN MẶT TRĂNG, chứ không phải chỉ biết có HƠI THỞ RA VÔ. Biết có hơi thở ra vô là tu tập sai pháp không đúng pháp DẪN TÂM, vì vậy vọng tưởng, hôn trầm thường đến thăm viếng các con.

Tất cả sự trình bày của các con đều là tu sai pháp, tu pháp này lẫn sang pháp khác. Thật tội nghiệp cho các con quá!

Phải bền chí kiên gan tu tập lại đừng theo kiến giải của mình mà tu pháp này pháp khác. Nhất là tự kiến giải ra tu tập thì con xa muôn dặm.

Phải theo lời Phật dạy: SỐNG TRONG CÁI HẠ LIỆT KHÔNG THỂ CHỨNG ĐẠT CÁI CAO THƯỢNG.

Này các thầy tỳ kheo! Không phải sống với cái hạ liệt có thể đạt cái cao thượng“ (Trang 57, Tương Ưng tập 2)

Như vậy đức Phật đã xác định rõ ràng: Một người sống trong hạ liệt mà muốn chứng trong cái cao thượng thì không thể nào chứng đặt được. Vậy sống trong hạ liệt là sống như thế nào?

Sống trong hạ liệt là sống chạy theo dục lạc thế gian, tâm còn đầy tham, sân, si, mạn, nghi; tâm chưa sống ly dục, ly ác pháp, mỗi chút mỗi phiền não giận hờn khổ đau; tâm còn ham muốn cái này cái kia. Hằng ngày tâm còn phóng dật thấy cái này thấy cái kia. Thấy cái này cái kia tâm còn muốn nhìn, ngó, lưu ý thì làm sao chứng đạt cái cao thượng được.

Cho nên quí thầy, quí cô tu tập thì tốt nhưng không chứng đạo là hay ngó nhìn ra ngoài. Tại sao quí thầy, quí cô không nhìn ngó vào thân tâm của mình mà lại nhìn ngó ra ngoài. Nhìn ngó ra ngoài có lợi ích gì?

Khi quyết tâm tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì hãy nhìn vào thân tâm của mình để làm chủ nó, nếu nó làm sai hay làm không đúng thì chúng ta đều biết liền. Biết sai thì ngăn chặn lại không làm theo, biết đúng thì tăng trưởng và làm theo cho thân tâm mỗi ngày một tốt hơn. Nhờ chúng ta biết tập sống như vậy nên từ chổ sống hạ liệt trở thành sống thanh cao, còn nếu không biết sống như vậy thì sống từ cái hạ liệt này sẽ mãi mãi sống trong cái hạ liệt khác. Cho nên đức Phật mới dạy như vậy: SỐNG TRONG CÁI HẠ LIỆT KHÔNG THỂ CHỨNG ĐẠT CÁI CAO THƯỢNG”. Dù chúng ta muốn tu chứng đạt giải thoát mà sống trong hạ liệt thì tu vô lượng kiếp cũng chẳng đi đến đâu.

Thầy dạy PHÁP DẪN TÂM VÀO ĐẠO là pháp cao thượng, vì thế các con muốn chứng đạo phải sống cao thượng thì mới tu tập không sai.

*****

(Tâm thư Trưởng lão Thích Thông Lạc gửi tu sinh ngày 29/4/2009)