Đạo đức ly tham từ bỏ lấy của không cho – Trưởng lão Thích Thông Lạc

      Trên thế gian này, lòng tham của con người là một cái túi không đáy, chứa đựng không biết bao nhiêu cho đầy. Vì thế, sự tham lam của con người to lớn vô cùng vô tận, và nhiều trùng trùng điệp điệp, thật là ghê gớm!

      Lòng tham lam của con người là một tội cực ác, do lòng tham ăn, tham tiền mà con người giết tất cả các loài động vật khác không những để ăn thịt, mà còn bán để lấy tiền hoặc giết chết bỏ làm phân bón, làm thực phẩm gia súc. Thật là lòng tham của con người quá ác và quá tàn nhẫn.

      Do lòng tham muốn chiếm đoạt tài sản của những người khác mà con người giết con người không gớm tay; do lòng tham lợi, tham danh của con người từ nước này đi cướp nước khác, biết bao nhiêu sinh mạng con người chết vì chiến tranh; do lòng tham sắc dục của con người mà tự họ phá gia đình hạnh phúc của mình và của người khác tan nát; do lòng tham sắc dục mà con người hiếp dâm trẻ em và làm ô nhục biết bao nhiêu phụ nữ; do lòng tham sắc dục mà con người giết con mình bằng cách nạo phá, móc bỏ biết bao nhiêu thai nhi chết một cách đáng thương, v.v…

      Lòng tham thật là ghê gớm, thường mang đến cho loài người biết bao nhiêu tội ác và biết bao nhiêu sự khổ đau, không sao kể hết được. Tội ác của lòng tham nó không từ bất cứ một người nào. Con bất hiếu cũng từ lòng tham, anh em ruột thịt chia lìa ly tán cũng từ lòng tham, vợ chồng ly dị, con cái mất cha, mất mẹ cũng từ lòng tham, chiến tranh thế giới từ nước này đến nước khác, người giết hại lẫn nhau trùng trùng lớp lớp cũng từ lòng tham, v.v…

      Đứng đầu trong ngũ triền cái là lòng tham. Lòng tham đó gọi là tham triền cái, nó là pháp ác thứ nhất. Người đệ tử của Phật cần phải đề cao cảnh giác tâm mình, khi nó móng khởi một niệm nào thì hãy mau mau quán xét cho thật kỹ xem nó thuộc về loại tham lam nào để dùng đức ly tham diệt ngay tức khắc.

      Chúng ta thường nghe đức Phật dạy: “Trong mỗi con người có ba nọc độc: Tham độc, Sân độc, Si độc”. Và “trong mỗi người có ba tùy miên: Tham tùy miên, Sân tùy miên, Si tùy miên”. Đó là những pháp khiến con người sống đầy tội ác. Chúng ta cần phải học cho thông suốt.

      Ba ác pháp tham, sân, si này luôn luôn ngự trị trong tâm chúng ta, hễ có đối tượng thì nó ló mặt ra tức khắc, nếu chúng ta không đủ sức bình tĩnh thì nó triền miên duy trì mãi mãi trong tâm, chúng ngấm ngầm như lửa than không thấy ánh sáng, nhưng nó vẫn cháy liên tục, không gián đoạn.

      Đức Hiếu Sinh để đối trị tâm tham, sân, si, mạn, nghi, nếu người nào biết áp dụng vào cuộc sống của mình thì đã chuyển sạch. Con đường giải thoát ở trước mắt của mình.

      Chúng ta cần phải tu học và rèn luyện nhân cách của mình để thoát ra tam độc. Đó là đức Ly Tham, người nào biết ly tham là người đó tự mang đến cho mình một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.

      Bởi vì con người do tâm tham mà chịu nhiều khổ đau, muốn chấm dứt khổ đau không gì hơn là phải diệt trừ tâm tham; muốn diệt trừ tâm tham thì chỉ có sự hiểu biết các pháp vô thường, khổ, vô ngã, không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do sự hiểu biết thật như vậy thì tâm chúng ta không còn chỗ bám, dù có bám nó, nó cũng chẳng có cái gì là của ta thì bám làm gì cho uổng công. Nhờ thấu suốt hiểu rõ như vậy nên không ly tham mà nó đã tự ly tham.

      Trong cuộc sống hằng ngày, nếu tâm chúng ta chỉ còn ưa thích một chút xíu điều gì như món ăn, chiếc áo, cái khăn, cây bút, v.v… là chúng ta biết tâm mình còn tham lam, mà còn tâm tham lam là tâm còn đau khổ.

      Ở đây, đức Phật dạy chúng ta nên sống với đức hạnh ly tham để thoát ra mọi sự khổ đau, đó là mục đích của tập sách này.

      Lìa được tâm tham không phải là dễ, cho nên ngay từ những phút đầu tiên, khi chúng ta học giới luật này là cần phải hiểu cho rõ ràng và áp dụng vào đời sống hằng ngày với đức ly tham không nên biếng trễ.

      Đức ly tham từ bỏ lấy của không cho mà đức Phật đã dạy chúng ta giới thứ hai trong Ngũ Giới: Cấm gian tham trộm cắp, không nên lấy của không cho”. Câu đầu là một pháp luật như luật thế gian, nếu ai phạm vào giới này được xem là phạm vào tội tử hình. Nhưng câu sau chỉ là một lời khuyên nhẹ nhàng, nếu ai nghe theo lời khuyên này sống không lấy của không cho thì ngay đó là chúng ta sống với đức ly tham, sống với đức ly tham sẽ được giải thoát ngay liền và hoàn toàn giải thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi và chấm dứt mọi sự khổ đau trong cuộc đời này.

      Tóm lại, lòng tham lam của con người đã đưa con người vào biển khổ. “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Đó là lời xác định của đức Phật, sự đau khổ của chúng sinh vô cùng vô tận không sao kể hết được. Vậy muốn thoát ra bể khổ, chúng ta phải hết sức tu học đức Ly Tham để đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho vạn vật trên hành tinh này.

—————————-

(trích: “Giáo án rèn nhân cách lớp ngũ giới – Đạo đức ly tham” (tập 1, trang 5-13) của Trưởng lão Thích Thông Lạc)