GIẢN DỊ TIẾT KIỆM – QUÝ TRỌNG SỰ SỐNG!

Chơn Như, Ngày 7 Tháng 7 Năm 2022

Kính gửi: Ban đời sống cùng tất cả mọi người!

Hôm nay, Mật Hạnh ôn lại cùng các bạn gương hạnh của Đức Phật và Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc để các bạn tự giác soi lại mình.

Như các bạn đã biết, thái tử Tất Đạt Đa cùng người hầu cận Sa Nặc tiễn Ngài đến bờ sông. Thái tử cắt tóc, lột bỏ trang sức vòng vàng, y phục cao sang để lại cho Sa Nặc và thanh thản bước đi.

Ngay từ đầu, Ngài đã thực hiện Đức ly tham và Thánh đức buông xả:

Đức ly tham là một đức hạnh tuyệt vời. Chúng ta nên xem xét lại đời sống của Đức Phật ngày xưa. Ai cũng biết Đức Phật là con trai độc nhất của vua cha Tịnh Phạn và sắp sửa thay vua cha lên ngôi báu.

Trong khi vua cha tìm mọi cách để giữ Ngài, nhưng Ngài không màng danh lợi, buông bỏ như buông bỏ một chiếc giày rách. Khi đi tu, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con xinh Ngài đều buông xuống cả.

Cuộc sống của Ngài lúc bấy giờ chỉ còn ba y một bát, chân trần, hằng ngày đi xin cơm của mọi người, mọi nhà, nhưng tâm hồn Ngài phóng khoáng như hư không, trắng bạch như vỏ ốc, sống không nhà cửa, không gia đình, lấy trời làm màn, lấy gốc cây làm gối, lấy trăng sao làm đèn, lấy gió làm quạt… cuộc đời của Ngài đâu còn gì nữa, đói thì đi xin ăn, đi xin không có thì ngồi thiền, bệnh đau thì dùng pháp đối trị. Cuộc đời Ngài sống thanh thản, an lạc và vô sự. Cuộc đời danh lợi, tiền bạc ngôi báu, vợ đẹp, con xinh không còn trói buộc Ngài được nữa”.

(Đức Ly Tham tập 1, trang 30)

Ngài tìm ra con đường trung đạo, ăn ngày 1 bữa, sau 6 năm khổ hạnh dưới rừng già đầy khốc liệt, chỉ còn da bọc xương, có như vậy những lậu hoặc thô mới bị tiêu diệt – xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.

Còn các bạn hôm nay thì sao? Các bạn đã học xong đức ly tham chưa? Hay vẫn ở lại lớp đức hiếu sinh? Các bạn định học đến bao giờ thì lên lớp khi thời gian cuộc đời sắp hết?

Các bạn hãy quan sát lại đời sống của mình trong 1 ngày đang huân tập thói quen ác pháp, tâm tham tăng trưởng đã lãng phí công sức của mọi người như thế nào???

1. Xe điện, xe máy … là phương tiện di chuyển. Các bạn có sự tiết kiệm, có quý trọng sự sống chăng? Trừ những sự việc cần thiết trong các công việc hay đời sống như chở cơm, chở hàng, buộc các bạn phải sử dụng xe điện … có đâu các bạn mỗi mỗi lên xe chạy ào ào, vi vu đi dạo đây đó cho khoan khoái con người. Các bạn học bài “Nỗi đau sau 1 vụ tai nan” (Đạo đức gia đình tập 1). Dưới bánh xe lăn là bao nhiêu kiến, cuốn chiếu, ốc … Các bạn nuôi lớn đức hiếu sinh thân hành như thế nào? Học rồi hành ở đâu? Các bạn có muốn tương ưng với những công việc trong các công ty lắp ráp xe điện, xe máy, làm sửa chữa xe …?

2. Điện thoại là phương tiện để 1 số cá nhân có trách nhiệm công việc, trong giai đoạn còn sống trong cảnh động và cũng chỉ nói những điều được thưa hỏi. Có đâu các bạn dùng các điện thoại cảm ứng đắt tiền dùng cho mục đích riêng, vui chơi, phóng dật? Đời chưa bỏ mà mượn Tu viện là nơi nương náu để quý vị nuôi dưỡng ái kiết sử, để 5 dục trưởng dưỡng. Các bạn chưa độc cư giai đoạn 3 nên chưa biết 2 từ Độc thoại. Giờ đây để các căn chạy theo 6 trần. Đạo đâu có thể vào tâm các bạn được? Tâm các bạn ô nhiễm thật đáng thương thay!

Giới luật không nghiêm

Xả tâm không sạch!

3. Gạo, các bạn có tiết kiệm, quý trọng từng sự sống, khi hạt gạo rơi, các bạn có lượm lặt? Các bạn có muốn được tu tập giải thoát hay lãng phí để tương ưng với nơi ruộng đồng công việc, cấy hái đẫm mồ hôi, sương lạnh… tương ưng vào các gia đình nghèo đói, thiếu ăn …

4. Muối, đường, đồ nêm, gia vị .. Các bạn không muốn tương ưng làm việc trên những cánh đồng muối trắng chát, mặn mòi. Nhưng lại bày vẽ, nấu nướng, nêm nếm, kho xào cầu kỳ đủ vị. Các bạn cũng biết người cư sĩ vất vả bao công lao, cực khổ làm ra vật chất, tịnh tài để cúng dường. Nhưng các bạn nấu xào cho hết. Nay món này, mai món nọ hết cả thời gian tu!! Sau này, tương ưng ra mở tiệm cơm chay, nhà hàng chay …

5. Sau 9 tháng ở Hòn Sơn: “Thầy đón tàu về bên mẹ. Khi trở về nhà Thầy nói với mẹ:

Mẹ ráng nuối con ngày một bữa để con được an tâm tu hành nghe mẹ! Cuộc đời của con chỉ còn biết tu mà thôi, con thương mẹ lắm, con không thể bỏ mẹ một mình ngồi tựa cửa trông em con.

Thầy quay lại nói với em:

  • Em ráng nuôi anh tu hành, anh về em phải cực nhọc nhiều hơn. Anh sẽ làm phụ em những gì anh làm được, và anh sẽ tiết kiệm tối đa để em đỡ vất vả, nhất là em yên tâm, nhà có anh bên mẹ và chăm sóc mẹ thay em.

Em Thầy nói:

  • Thầy cứ an tâm tu tập, có mẹ lo cơm nước cho Thầy, còn em buôn bán đắp đổi, qua ngày. Thầy đừng lo, để mặc em.

Thầy khép cửa thất lá lại, bắt đầu cuộc đời cô đơn và cô độc suốt gần 10 năm liền. Người em gái buôn gánh, bán bưng kiếm từng đồng để nuôi mẹ, nuôi anh. Mẹ Thầy lo nhiệm vụ hộ thất, mang cơm xách nước cho Thầy qua khung lỗ nhỏ.

Thời gian lặng lẽ trôi qua mãi, những đĩa rau khoai lang luộc với chén nước tương, hoặc nắm muối trắng bên cạnh tô cơm là những gì nuôi nấng chút sức lực còn lại, để Thầy âm thầm chiến đấu với giặc sanh tử muôn đời muôn kiếp !! (Tạo duyên giáo hóa chúng sanh, trang 38, 39, 40)

10 năm ròng rã Đức Trưởng lão chỉ ăn cơm với rau lang luộc chấm muối. Mẹ Ngài hộ thất với bữa cơm đơn sơ thanh khiết mà nhờ đó Ngài thanh tịnh thân tâm.

Các bạn trong ban đời sống hôm nay cũng là những người người hộ thất để tạo duyên phước tu hành. Hãy trợ duyên cho thật tốt lành cho chính mình và tu sinh với những bữa cơm giản đơn, tiết kiệm, quý trọng sự sống (củi lửa, công xá, thời gian)

Noi theo gương Đức Trưởng Lão, 7 ngày, 7 tháng, 7 năm, ăn cơm rau đậu luộc. Không nên bày vẽ nấu nướng cầu kỳ nữa. Các bạn luộc rau, củ, quả … Tùy theo duyên, theo các pháp cũng là quý hơn Đức Trưởng Lão nhiều món rồi ạ!

Vì thế ăn uống rất quan trọng cho đời sống con người. Càng ăn uống đơn giản thì đời sống càng thảnh thơi, an lạc, cơ thể nhẹ nhàng, ít bệnh tật, ít tai nạn. (Đường Về Xứ Phật tập 1, trang 238)

Để tích lũy thời gian cho thân vô sự!

Để tích lũy thời gian cho tâm vô sự!

Có lần, Đức Trưởng lão từng nói với Mật Hạnh: “Chỉ có người tu chứng nấu cơm mới đơn giản, không cực mà mấy con không sinh tâm tham dục ăn mới dễ tu chứng đạo”.

6. Nước là một tài nguyên quý giá, hiếm hoi và rất cần được tiết kiệm, quý trọng sự sống này. Ngày trước, Đức Trưởng lão quý trọng từng giọt nước. Ngài giảng pháp hàng tiếng đồng hồ, có khi rót sẵn 1 ly nước đầy nhưng Ngài không dám uống vị sợ uống không hết sẽ bỏ phí. Nên Thầy thà nhịn khát. Hiện nay, nhân quả gõ cửa từng nhà, từng khu vực, chứ không đợi tương ưng nơi sa mạc, châu Phi …

7. Khi Đức Trưởng lão thành lập Tăng đoàn, Ni đoàn có hơn 20 món đồ thiết yếu cho 1 người tu tập sống phạm hạnh vừa đủ. Ngoại trừ 2 bộ đồ ( hay ở ban đời sống lao tác nhiều có thể thêm 1 bộ khi mưa gió) còn thì các đồ dùng khăn, dép, dao cạo, bàn chải, kem đánh răng, mùng mền … Mỗi thứ 1 món. Quý tu sinh có dư đồ dùng vật dụng mà do chưa rõ hạnh buông xả thì nên thực hiện ĐỨC TỰ GIÁC THÀNH THẬT LY THAM HIẾU SINH THÂN HÀNH, Ý HÀNH. Để đời sống ít muốn biết đủ, 3 y 1 bát tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Không còn gì vướng bận, luyến tiếc, tô đắp cho thân tạm bợ, thân vô thường, thân uế trược này.

Theo như lời Đức Trưởng lão dạy:

Người tu sĩ Phật giáo ăn không cần ngon, ăn không phải vì ưa thích, ăn không phải để mập khỏe, trẻ đẹp, mà ăn chỉ để duy trì sự sống, ăn để không bệnh tật, ăn để cơ thể được mạnh khỏe để tu tập để sống đời phạm hạnh.

Ăn không phải vì các cảm thọ lạc mà vì ngăn ác pháp và diệt trừ ác pháp, ăn để sống trong tâm bất động để thấy được tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Ăn để sống làm chủ thân tâm.

Cho nên ăn uống tiết độ của Phật giáo không có khó khăn, không có mệt nhọc. Chúng ta ăn uống vì mục đích giải thoát, vì vậy ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Cho nên ai có cho gì thì chúng ta ăn nấy. Chứ không phải vì ăn mà đi chọn lựa thức ăn này, thức ăn khác.

Người còn ham ăn cái này, cái khác hay chọn lựa thức ăn này, thức ăn kia là không đúng đệ tử Phật. (Mười hai cửa vào đạo, trang 135)

Đúng vậy, qua các món ăn quý vị gọi tên và hướng tâm chế biến, nhớ nghĩ, huân tập, luân hồi sau 1 tuần, 3 tuần lại tiếp diễn vòng tròn 12 nhân duyên không lối thoát. Quý vị xem lại đức Hiếu Sinh ý hành ở đâu? Sao còn nhớ nghĩ trong đầu? Đức Hiếu Sinh khẩu hành ở đâu? Khẩu quý vị có thanh tịnh chăng khi nói theo thói quen nghiệp lực? Sườn non chay, bún bò chay, mắm chưng …

8. Những ai còn dính mắc, chấp đắm vào các công việc như: quét dọn, sửa chữa máy móc thiết bị, mua sắm vật chất, quản lý nhà kho thực phẩm, kho vật liệu … thì cần biết cách sắp xếp, bàn giao, phân công, chia sẻ dần để chuẩn bị chuyển qua giai đoạn nhập thất.

Những ai sống khá lâu 5 năm, 10 năm trong Tu viện, tự đặt ra câu hỏi: “Sao trí tuệ chưa sanh??? Tu mãi sao dậm chân, thụt lùi phải đi học những người mới giác ngộ chánh pháp??” Các bạn đừng sống với tâm lý luận cho rằng ta đây khiêm hạ !? Có thật là khiêm hạ diệt ngã tận cùng, ai các bạn cũng hạ mình học tập chăng?

Các bạn nên biết, có độc cư mới sanh trí tuệ. Còn học tập chỉ là vay mượn tri kiến giai đoạn đầu mà thôi!! Các bạn mới chỉ thắng trăm trận !? Còn chưa độc cư sao các bạn chiến thắng mình?! Thắng mình mới là chiến công oanh liệt các bạn ạ!!

“Thắng tâm mình tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp không đơn giản, nó là một cuộc tranh đấu cam go giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và không tội lỗi, giữa đau khổ và không đau khổ, giữa sống và chết, giữa thiên đàng và địa ngục.”

Nhưng trong chiếc thất lá đơn sơ này, có một bóng người ngồi lặng lẽ, thản nhiên, không bận tâm về các việc khác. Người này đang còn bận phải lập chiến công oanh liệt nhất, là tự chiến thắng chính mình. Cuộc chiến này chưa ngã ngũ, những tên giặc vọng tưởng vẫn còn lẩn lút đâu đây.

Một thời gian dài lâu trôi qua như vậy. Một hôm Thầy chợt nghĩ: Chư Phật thành đạo đều do sức đại hùng, đại lực, bây giờ mình phải khởi phát đại hùng để dứt hẳn vọng tưởng vi tế này”!

Thầy tự hứa với lòng mình: “Phải ráng tu để đền đáp ơn mẹ, ơn nhiều người.” Sáu tháng tu tập với câu tác ý đơn giản, mà thành công vĩ đại không ngờ. Sự thành công này mở màn cho nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo ra đời.

Thầy mở cửa thất đi ra làm người chiến thắng vinh quang, sau hơn mười năm giam mình trong cô đơn hiu quạnh.” (Tạo duyên giáo hóa chúng sanh, trang 43,49)

9. Những ai còn nghĩ mình còn trẻ thì thật nông nổi và cạn cợt!! Ai trong các bạn khẳng định mình còn trẻ? Các bạn nhìn lên người nhiều tuổi hơn mình mà không nhìn rộng, nhìn xung quanh là mình đã già bao nhiêu! Đang tiến dần tới cái chết mà không thấy! Mờ mịt, si mê! Không thấy sự tan hoại đang diễn ra mỗi giây, mỗi phút, mỗi ngày!

Một em bé vừa sinh được 1 năm tuổi đã già hơn em bé trong bụng mẹ. Một bạn nhỏ đi học lớp 1 già hơn các bé học lớp lá, lớp mầm.

Một bạn vào nghề nghiệp, công việc đã thấy mình già hơn các bạn còn thanh thiếu niên, sinh viên cắp sách tới trường vô lo, vô nghĩ.

Một ông cha tay ôm con đã già hơn hẳn với ngày trước khi lên xe hoa, tự do, bay nhảy.

Một bà cụ bế cháu, không nhớ tên mình, lẩn thẩn, lơ thơ tóc bạc, răng rụng, quên trước sau, thân đau yếu …

Các bạn của ngày hôm nay đã già hơn ngày hôm qua.

Các bạn của buổi chiều khác xa với các bạn buổi sáng và cái chết như đang tiến dần hơn.

Ai trong các bạn còn dám khẳng định mình còn trẻ??

Chỉ những ai chưa thấy vô thường, khổ, vô ngã mà thôi!

Còn khi thấy vô thường như thật, thấy các pháp hợp đó là tan biến, thấy thân này không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì mới lo buông xả cho kịp, lo tu khi tuổi già hiện hữu.

10. Các bạn đã học xong Giáo án rèn nhân cách đạo đức gia đình chưa??

Nắm rõ 5 bài học các bạn còn ham mê sắc dục được chăng? Tự hỏi bản thân đã quán thân bất tịnh, quán xương trắng, dòi đục … như thật!! 25 giới hành trong Văn hóa Phật giáo truyền thống các bạn đã nắm vững và ứng dụng thuần thục chăng??

Các bạn không lo tu hành, không tự mình thắp đuốc lên mà đi. Tùy miên trong các trạng thái tham, sân, si, mạn, nghi thật đáng thương thay.

“Biết pháp tu tập giải thoát mà không cứu mình là không gan dạ, để trôi lăn trong lục đạo là hèn nhát. Phải vươn lên và bền chí vượt bao khó khăn, cứu mình trong lửa đỏ sinh tử. Đời chẳng có gì mà tiếc các con ạ!”

Buông xuống đi, hãy buông xuống đi

Tâm hồn thanh thản chẳng sầu bi

Cuộc đời ngắn ngủi trong chớp mắt.

Còn có vui gì, chẳng bỏ đi!

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Trò đời như mộng có còn chi

Tứ đại trả về cho tứ đại

Thanh thản, an nhàn lúc phân ly.

(Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Sau cùng, Mật Hạnh có lời thăm và chúc ban đời sống cùng mọi người thân tâm thường an lạc, diệt sạch ngã, xả sạch tâm.

Kính ghi

Tỳ kheo Thích Mật Hạnh