TÂM THƯ GỬI QUÝ PHẬT TỬ – 26/04/2018

TÂM THƯ

GỬI QUÝ PHẬT TỬ

Tu viện Chơn Như, ngày 26/4/2018

Kính gửi: Quý Phật tử trong nước và ở nước ngoài

Kính thưa quý vị: Do nhân duyên gần đây Phật tử có những điều thắc mắc, vì vậy hôm nay Mật Hạnh xin có đôi lời kính gửi đến quý vị, với niềm mong ước mọi người cùng đoàn kết, tinh tấn trên con đường tu học giải thoát, cùng hướng về từ trường tâm bất động thanh thản, an lạc, vô sự, của đức Phật và đức Trưởng lão Thích Thông Lạc.

Chỉ có tâm bất động thanh thản, an lạc, vô sự là cứu cánh giải thoát, là đạo đức thương mình thương người, xin quý vị nhớ mãi đừng quên!

Dấu chân tăng đoàn đức Phật và Trưởng lão vẫn còn đâu đây, thời ấy tăng chúng sống gần quanh đức Phật; 1250 vị tỳ kheo cùng đi khất thực, thọ trai, nghe pháp rồi giữ miên mật giới luật tu hành cho đến khi Phật nhập Niết bàn, và sau đó khi ngài A Nan nhập Niết bàn, từ đây mới sinh ra nhiều hệ phái khác nhau, chia nhỏ và bẻ vụn giới luật.

Nhưng các Tổ đâu biết rằng giới luật ở đâu là trí tuệ ở đó, hay giới luật ở đâu thì tri kiến giải thoát ở đó. Đức Trưởng lão dạy nhẫn được việc khó nhẫn, làm được việc khó làm là những điều đáng ca ngợi.

Khó nhưng mà không khó, nếu chúng ta quyết tâm buông bỏ thì khó khăn sẽ được hóa giải, hương vị giải thoát ngay trước mắt, (pháp ta không có thời gian đến để mà thấy).

Hiện nay có ít nhóm nhỏ phân chia thành bè phái nhóm họp manh mún với nhiều nguyên do.

Xưa đức Phật đã dạy : “Chớ có tin và nghe người ta nói đồn, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin vì nơi xuất phát có uy quyền”… Như vậy quý vị đang mất quá nhiều thời gian không lợi ích cho mình và người, không những thế còn làm yếu đi sự khích lệ sách tấn tu tập giữa bạn đồng môn nữa.

– Được thân người là khó, gặp được chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni là điều vô cùng khó hơn nữa! Sau hơn 2500 năm đức Trưởng Lão là người duy nhất tìm lại được đường lối tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi. Cả cuộc đời Ngài đã tu tập cần khổ không hề lơi lỏng, suốt mười năm sống độc cư miên mật cho đến khi đọc được Đại tạng kinh Nikaya (do HT Thích Minh Châu dịch) Ngài đã dùng pháp Như Lý Tác Ý quét sạch tham sân si vi tế. Cuối cùng là người chiến thắng giặc sanh tử, ca khúc khải hoàn, và từ đây Ngài đã kiên quyết chỉ dạy truyền trao kinh nghiệm thực chứng làm chủ sanh, già, bệnh, chết, còn để lại đầy đủ tư liệu băng giảng và 28 đầu sách cho chúng ta và các thế hệ mai sau.

Đức Trưởng lão khi còn sống đương thời cho đến lúc nhập niết bàn vẫn ở trong từ trường của tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự mà đức Phật và chúng Thánh tăng đang ở đó. Do vậy, dù Trưởng lão đã nhập niết bàn nhưng đức Thầy vẫn luôn bên cạnh chúng ta, là tâm bất động thanh thản.

Tri ân công đức của đức Phật và Trưởng lão, từ đây chúng con sẽ cố gắng trau dồi đức đoàn kết hiếu sinh đa hướng, nguyện triển khai tri kiến giới luật đức hạnh nhân bản và nhân quả, hằng ngày sống không làm khổ mình không làm khổ người và không làm khổ chúng sanh bằng đức hiếu sinh đa hướng. Bất cứ một pháp nào đến chúng con đều đem lòng yêu thương và tha thứ bằng thân hành, khẩu hành, ý hành. Có như vậy mới thương mình đúng cách và trao lòng yêu thương chân thật giải thoát đến với mọi người.

Kính thưa quý vị:

– Mỗi con người chúng ta ai cũng có trách nhiệm và bổn phận, nhưng trách nhiệm và bổn phận của mỗi chúng ta dù nam hay nữ đều phải sống có đạo đức (không làm khổ mình khổ người, không làm khổ chúng sanh) nhờ sống có đạo đức mới đem lại sự bình an, yên vui cho mình, cho người và cho mọi vật. Vì vậy quý vị nên biết chính trách nhiệm và bổn phận đạo đức của con người là trên hết, không có trách nhiệm bổn phận nào ngoài đạo đức quý vị à!

– Cá nhân có đức hạnh đoàn kết hiếu sinh đa hướng thì luôn thấy lỗi mình để sửa.

– Là cư sĩ sống đúng năm giới đức làm người, hành trong mười điều lành, sống với đức cần lao buông xả, nhưng trên đời này người sống siêng năng cần lao thì ít, người lười biếng ăn không ngồi rồi thì nhiều, khi đi ra làm việc thì tránh công việc nặng nhọc tìm công việc nhẹ nhàng, tìm chỗ ngồi chơi. Làm người ai cũng có sự sống như ai, vì thế ai cũng phải siêng năng làm việc, có làm việc mới có sự sống công bằng, còn không làm việc mà có sự sống thì sự sống không công bằng, chỉ là cướp công cướp của của người khác, bởi vậy không siêng năng làm việc thì không xứng đáng làm người. Con ong, con kiến còn siêng năng làm việc quần quật suốt cả ngày huống chi chúng ta là con người thì phải tích cực siêng năng trong việc làm cùng chia sẻ nặng nhọc với mọi người trên hành tinh này.

Nếu chúng ta sống như vậy thì đâu có thời gian đi đây đi đó, tụ họp nói chuyện tào lao, bàn chuyện người khác. Luôn tích tập thời gian sống với tâm thanh thản an lạc và vô sự.

– Gia đình có đoàn kết hiếu sinh đa hướng thân hành, khẩu hành, ý hành là gia đình hạnh phúc nhứt trên thế gian này.

Luôn an vui êm ấm, mỗi phút giây luôn chia sẻ, đỡ đần công việc giữa ông bà, cha mẹ và con cái, hay anh chị em đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau trong học tập cũng như trong nghề nghiệp, cùng đồng chí hướng đạo đức giải thoát sách tấn tu tập, đồng cam cộng khổ. Vì cuộc sống chung nên cùng vượt qua chướng ngại nhờ tri kiến giải thoát đức hiếu sinh. Cho nên đức hiếu sinh thường biểu hiện qua hành động thương mình, thương người bằng sự suy nghĩ; yêu thương bằng hành động cung kính, êm ái nhẹ nhàng; bằng ngôn ngữ ôn tồn nhã nhặn, ái ngữ êm dịu. Đó là đức hiếu sinh bố thí trên tất cả sự bố thí mà quý vị hãy ghi nhớ đừng quên, luôn luôn áp dụng vào cuộc sống hàng ngày để gia đình được an vui hạnh phúc.

Chính nhờ vậy thì mỗi tập thể là nhóm Phật tử Nguyên thủy của mỗi tỉnh, thành đại diện cho một xã hội thu nhỏ luôn vững mạnh về mọi mặt nhờ đức đoàn kết hiếu sinh đa hướng. Nhóm Phật tử Nguyên thủy có tinh thần kết nối yêu thương đa hướng, nhiều gia đình cư sĩ tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế bằng nghề nghiệp chân chính, tạo ra các sản phẩm có giá trị có lợi ích cho mình, cho mọi người.

Ở đâu có đoàn kết là ở đó có thành công, “đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công”.

Trên đây là những lời vàng ngọc của đức Phật, đức Thầy đã để lại cho chúng ta, xin quý vị hãy khắc cốt ghi tâm để tu tập được giải thoát trong cuộc đời đầy đau khổ.

Bản thân Mật Hạnh cũng đã từng sống độc cư 3 năm và đã nhìn thấy sự giải thoát của đạo Phật rất thực tế, rõ ràng không có mơ hồ. Mật Hạnh luôn ước ao giữ gìn mạng mạch Chánh pháp để cho con cháu sau này biết được con đường chánh pháp giải thoát của đạo Phật, để đem lại lợi ích và hạnh phúc cho con người, đem lại nền đạo đức Nhân bản – Nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh – đó là tâm nguyện của Mật Hạnh. Và mong ước của Mật Hạnh cũng mong mọi người hãy cùng đồng lòng chung sức với Tu viện.

Khi Thầy truyền trao trọng trách cho Mật Hạnh thì Mật Hạnh đã gặp biết bao nhiêu là gian nan, biết bao nhiêu sóng gió phũ phàng, quý vị có thấu chăng? Mật Hạnh chỉ biết cùng đồng lòng mọi người trong Tu viện và các quý Phật tử, chỉ biết thương yêu và tha thứ, không muốn giận hờn oán trách, nói xấu một ai hết, vì tất cả chúng ta đều vô minh, đều đáng thương cả. Chỉ ước mong quý vị đoàn kết yêu thương xây dựng Chánh pháp, đừng hơn thua với nhau khiến chúng ta thêm đau khổ. Cho nên Mật Hạnh chỉ biết vượt qua mọi thử thách, mọi gian lao, phải quyết không chùn bước.

Sau cùng Mật Hạnh xin gửi lời thăm chúc mọi người, kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe, thân tâm thường an lạc và gặp được nhiều may mắn trên con đường tu tập đạo đức giải thoát.

Kính thư

Thích Mật Hạnh

 

Hình chụp văn bản gốc: