Tâm thư gửi Văn Tùng – ngày 08/08/2018

      Hỏi: “Trưởng Lão nói người tu chứng cũng như người nhập Niết bàn, tức là Trưởng lão đã bỏ báo thân này nhập diệt thì Trưởng lão vẫn biết mọi cái trên thế giới này. Hiện tại Trưởng lão đang ở trong từ trường bất động mà vẫn biết trên thế giới này được hả thầy? Không tương ưng thì làm sao mà biết được?”

      Đáp: Vấn đề này con đã nói đúng rồi. Con phải hiểu Phật và Trưởng lão đã giải thoát không còn tham, sân, si, mạn, nghi như người thế tục thì sống với tâm bất động thanh thản này nó vĩnh hằng. Tuy bỏ thân tứ đại trở về với cát bụi nhưng tâm bất động này mãi mãi vẫn trường tồn vĩnh hằng. Cho nên tất cả mọi thứ trên thế gian này, Phật và Trưởng lão muốn biết thì sẽ biết được hết tất cả.

      Hỏi: Trưởng lão nói khi đuổi bệnh là phải giữ 8 giới trong ngày thọ Bát quan trai khi đó bệnh mới hết. Cư sĩ chúng con 1 tháng được 1 ngày thọ BQT thì làm sao đuổi bệnh được thầy? Ngày nào mình cũng tập luyện khi đó mới đẩy được bệnh chứ?

      Đáp: Người cư sĩ sống đúng đạo đức nhân bản – nhân quả, mỗi tháng chọn 1 hoặc 2 ngày thọ Bát quan trai thì việc tác ý vẫn đuổi hết bệnh được con à. Điều quan trọng để đuổi hết bệnh là phải có lòng tin mạnh mẽ và siêng năng thực hành đúng phương pháp. Con hãy tham khảo thêm lời dạy của Trưởng lão về phương pháp tác ý trị bệnh sau đây:

PHƯƠNG PHÁP TÁC Ý TRỊ BỆNH

(Trích: Những bức tâm thư (tập 3, trang 286-287) – Trưởng lão Thích Thông Lạc)

      Một người tu tập theo Phât giáo tâm không hề giao động trước các ác pháp, ngay cả trong giờ phút lâm chung cũng không sợ hãi. Cho nên bệnh đau mặc bệnh đau, sống chết mặc sống chết chỉ duy nhất biết TÂM BẤT ĐỘNG , THANH THẢN, AN LẠC, VÀ VÔ SỰ mà thôi. Do biết tâm TÂM BẤT ĐỘNG , THANH THẢN, AN LẠC, VÀ VÔ SỰ là một sự lợi ích quá lớn nên Thầy mới dạy cho quý Phật tử tác ý câu này để cứu mình ra khỏi biên khổ, nếu quý vị có lòng tin thì sẽ có lợi ích lớn cho quý vị còn không lòng tin thì thôi.

      Nằm hay ngồi trong tư thế nào cũng được nhưng nếu gan dạ thì nên ngồi kiết già hay bán già lưng thẳng, mở mắt nhìn phía trước cách chỗ ngồi một thước. Khi thân ngồi ngay thẳng, tâm yên ổn mới tác ý như sau:

      TẤT CẢ BỆNH TẬT ĐỀU VÔ THƯỜNG, VẬY THÂN BỆNH NÀY PHẢI PHỤC HỒI KHÔNG CÒN BỆNH TẬT NÀO CẢ. TẤT CẢ BỆNH TẬT NÀY HÃY ĐI! ĐI!!! AN TỊNH THÂN HÀNH TÔI BIẾT TÔI HÍT VÔ, AN TỊNH THÂN HÀNH TÔI BIẾT TÔI THỞ RA.” (hoặc: “AN TỊNH THÂN HÀNH TÔI BIẾT TÔI ĐƯA TAY RA, AN TỊNH THÂN HÀNH TÔI BIẾT TÔI ĐƯA TAY VÔ”).

      Khi tác ý như vậy xong thì chú tâm vào hơi thở hít vô và hơi thở ra đúng năm hơi thở rồi lại tác ý lần thứ hai như câu trên đã dạy. Cứ như vậy tiếp tục đuổi bệnh trong 30’ rồi nghỉ độ 10’. Khi nghỉ xong 10’ rồi lại tiếp tục đuổi bệnh trong 30’ nữa.

      Khi đuổi bệnh phải siêng năng tác ý như vậy thì chỉ trong thời gian ngắn bệnh tật sẽ chấm dứt và thân không còn một bệnh tật nào cả.

      Pháp NHƯ LÝ TÁC Ý đuổi bệnh là do đức Phật dạy: “CÓ NHƯ LÝ TÁC Ý BỆNH TẬT KHỔ ĐAU (LẬU HOẶC) CHƯA SINH SẼ KHÔNG SINH MÀ ĐÃ SINH THÌ BỊ DIỆT”, nhưng muốn được hiệu quả đẩy lui bệnh ra khỏi thân thì bệnh nhân phải NHIẾP TÂM VÀ AN TRÚ TÂM TRONG THÂN HÀNH (hơi thở ra, hơi thở vô, cánh tay đưa ra, đưa vào hay chân bước đi kinh hành). Trong những thân hành nên chọn một thân hành mà tập luyện nhiếp tâm an trú cho được thì đẩy lui bệnh rất hiệu quả.

      Dụng pháp NHƯ LÝ TÁC Ý đuổi bệnh không có tốn hao tiền thang thuốc và bác sĩ. Vậy mong sao quý vị hãy tự cứu mình ra khỏi biển khổ của kiếp làm người.

—————————–

      Cuối thư, Thầy xin kính chúc con thực hiện có hiệu quả phương pháp tác ý trị bệnh nêu trên để giúp cho con hết bệnh, thân tâm thanh thản an lạc và vô sự.

Kính ghi                

BQL TU VIỆN CHƠN NHƯ