Trả lời Dung Trần: Tâm Bất Động -Đừng nhìn lỗi người
HỎI:
Kính thưa Thầy,
Trước nhất con kính thăm Thầy và con kính xin Thầy chỉ giáo giùm những điều con chưa hiểu:
1- Ở nước Tây phương, họ khuyên những người già phải hoạt động óc như suy nghĩ hay tính toán để óc làm việc, nếu không sẽ dễ bị si khổ người già. Như vậy có đúng không, xin Thầy chỉ dạy!
2- Khi ra đường con thấy người quá nghèo khổ hay tai nạn, nếu tâm con bất động như vậy con có bị là vô tình không Thầy. Kính xin Thầy chỉ dạy dùm con nha!
3- Con có đứa cháu nó hay đặt điều nói láo, nhưng con có đọc đoạn Thầy nói rằng đừng nhìn người đó đúng hay sai mà nhìn thiện hay ác thôi. Nhưng con không hiểu là nhìn việc thiện ác của họ hay tâm thiện ác của con nhìn họ? Kính xin Thầy chỉ dạy để con sống cho tốt và con có đạo đức nha Thầy!
Con cám ơn Thầy và con kính chúc Thầy thật nhiều sức khỏe để dạy dỗ chúng con, con kính chào Thầy!
(Từ phật tử Dung Trần – 12/10/2009)
ĐÁP:
Kính gửi Dung Trần,
Để trả lời ba câu hỏi của con:
1- Suy nghĩ như người Tây phương không đúng con ạ! Người già cần phải nghỉ ngơi, không nên suy nghĩ nhiều; muốn không suy nghĩ nhiều thì phải có phương pháp ngăn và diệt những niệm quá khứ và tương lai. Người già thường ở không, nên đầu óc hay suy nghĩ nhiều về hồi ức những chuyện đã qua rồi lo buồn, sầu khổ, nuối tiếc và lo lắng tuổi già yếu không làm được những gì.
Người già phải hoạt động óc như suy nghĩ hay tính toán để óc LÀM VIỆC? – Câu này người Tây phương dạy như vậy là sai, vì câu này đối với người trẻ tuổi là đúng. Thầy xin sửa lại câu trên cho đúng.
Người già phải hoạt động óc như suy nghĩ hay tính toán để óc NGHỈ NGƠI. Để óc không suy nghĩ là một việc làm rất khó, không phải già không suy nghĩ. Đó là người Tây phương hiểu sai, không biết tâm con người hay lăng xăng vọng động.
2- Con hiểu BẤT ĐỘNG TÂM là tâm như gốc cây, như cục đất, có nghĩa là tâm không khởi nghĩ một niệm nào, đó là con đã hiểu sai. TÂM BẤT ĐỘNG có nghĩa là các ác pháp không làm cho tâm tức giận, phiền não, buồn thương, sợ hãi, v.v… Cho nên khi thấy người ăn mày nghèo khổ con vẫn nghĩ ngợi giúp người bất hạnh. Chớ con không nghe Phật dạy NGĂN ÁC DIỆT ÁC PHÁP, SINH THIỆN TĂNG TRƯỞNG THIỆN. Con học theo Phật mà không hiểu theo Phật, mà lại hiểu theo nghĩa của thiền tông Trung Quốc “VÔ PHÂN BIỆT”.
3- Phật dạy: “NHÌN LỖI MÌNH, ĐỪNG NHÌN LỖI NGƯỜI”, câu này có nghĩa nhìn tâm mình BẤT ĐỘNG hay BỊ ĐỘNG, nếu BẤT ĐỘNG thì không đau khổ, nếu BỊ ĐỘNG thì đau khổ. Vậy nhìn lỗi mình để xả cho tâm hết khổ, còn nhìn lỗi người thì có lợi ích gì cho mình đâu. Nếu con khuyên họ, họ có nghe con không???
Kính ghi,
Thầy của con
Trưởng lão Thích Thông Lạc