Tâm thư Thầy Thích Mật Hạnh dạy Tu sinh: Chiến Thắng Nội Tâm

Tâm thư Thầy Thích Mật Hạnh dạy Tu sinh: Chiến Thắng Nội Tâm

Kính gửi: Con

Trong bước đường thực hành, con chưa nhận ra tâm giải thoát, con viết thư thưa hỏi mong Thầy chỉ dạy. Thầy sẽ chỉ rõ cho con để con hiểu cho đúng, hiểu được chính là giác ngộ chân lý. Chưa giác ngộ làm sao chứng đạt chân lý. Hiểu được rõ như thật cũng khó quá phải không hỡi con? Con rất muốn hiểu nhưng vì duyên mỏng, vì nhân lòng tin con chỉ mới gieo, nên con mất một thời gian dài mà chẳng nhận ra được sự giải thoát nơi tâm con. Thật uổng quá con ạ. Nay con hãy tu lại từ đầu.

Cách Xả Tâm Thường Lo Sợ

1. Con hỏi cách xả tâm thường lo sợ: Thầy đã dạy rất nhiều, rất kỹ, chắc con còn nhớ. Thầy được Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc dạy: “Tâm bất động, thanh thản, không sợ bệnh không sợ chết”. Thầy đã dạy cho mọi người trong đó có con. Bệnh đau nặng nhẹ mà còn không sợ, cái chết vô thường đến mà còn không sợ thì có điều gì trên thế gian này khiến mình sợ hãi phải không con. Thầy đã dạy cặn kẽ nhưng vì không có duyên nên con không tin, không tin làm sao tác ý phải không hỡi con. Không tác ý làm sao có lực, không có lực của ý thức thì thất bại nặng nề nên tâm phải sợ đủ thứ đúng không con.

Nếu đã được nghe nhiều lần, nếu đã tin là có duyên lành, có tin là có tác ý thì tâm đâu có nao núng, sợ hãi, lo lắng trước bệnh đau, trước cái chết. Vậy do tác ý mà tâm không sợ hãi có ý thức lực mạnh mẽ thì sẽ chuyển đổi được tất cả các nhân quả ác trong quá khứ.

Thầy đã từng có bài thơ về “Tâm không sợ hãi” con đã quên rồi sao? Thầy dạy rất kỹ về tâm không sợ lạnh, nóng, đói, khát… thế nhưng con đọc qua chứ đâu có ghi nhớ. Con xem thường những lời dạy của Thầy. Con còn rất trẻ, cần phải siêng năng học, đọc đi đọc lại nhiều lần. Có mấy cụ già lớn tuổi mà kinh kệ pháp cú, thơ văn lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, của Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc người ta thuộc lòng. Thế mà con còn trẻ lại lười biếng, giải đãi. Cũng do là duyên quá mỏng con ạ. Thầy đã giảng giải rất kỹ trên giảng đường chắc con cũng được nghe. Vì duyên mỏng nên khó tin, khó hiểu, khó thực hành phải không con?

Vậy hôm nay, Thầy chỉ dạy cho con thêm rõ, để con có thể xả được những tâm đau khổ, sợ hãi trong con. Con hỏi Thầy cách xả tâm lo sợ. Con nên hiểu nhân quả, con đang trả rất nhiều quả sợ hãi vì con đã từng làm nhiều người sợ hãi và nhiều con vật sự sống sợ hãi bằng nhiều cách khác nhau qua ba nơi thân, miệng, ý. Con đã gieo vô số nhân ác làm cho chúng sanh sợ hãi thì giờ đây con phải trả quả sợ hãi gấp nhiều lần.

2. Con sợ tưởng: Vì con đã gieo nhân từ lời nói hù doạ, tiêm nhiễm khiến người sợ bị lọt vào tưởng. Nên giờ đây con tu con trả quả con sợ lọt tưởng. Thay vì con sẽ phải trả nhiều quả rất khổ sở như bị: bệnh thần kinh, điên khùng, bệnh hoang tưởng, bệnh đau đầu…. thì con chỉ trả quả sợ hãi thôi cũng quá khổ phải không con. Nhưng Đức Phật Thích Ca đã dạy: “Ta phải sống với tâm không có tưởng” chỉ cần tin nơi Ngài thì tưởng nào, sợ tưởng gì chẳng chạy mất hỡi con. Hay do con người không có duyên với chánh pháp, họ hiểu lệch lạc hành lệch lạc theo tà đạo Bà La Môn nên sống tưởng rất mạnh, không bao giờ tu tập giải thoát chấm dứt luân hồi.

Hay Đức Trưởng Lão cũng từng dạy về năm thủ uẩn: “Năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, người lạ, ốm đau, người lạ huỷ hoại, rỗng không, vô ngã” “Hãy từ bỏ thân ngũ uẩn này, sẽ đem lại an lạc hạnh phúc”. Người tu theo Phật giáo phải có nghị lực, phải gan dạ và bền chí thì mới thực sự thấy thân ngũ uẩn không phải là ta, là của ta. Mà tưởng uẩn là một trong năm uẩn của thân tứ đại có thật có sao, nó vô thường, biến hoại có gì mà chấp dính sợ hãi. Do cho là của mình, là mình nên mới sợ hãi. Chứ kỳ thực nó có phải của mình đâu. Của mình thì mình điều khiển được nó, mà điều khiển làm chủ được thì đâu có sợ hãi đâu có khổ phải không con. Vì mình cho nó thật có, không đủ sức tỉnh nhận ra nó, nên bị nó xỏ mũi, điều khiển sai khiến mình gieo nhân ác, hù doạ người, la mắng nói lời làm người vật sợ hãi mà chịu khổ.

Đức Trưởng Lão dạy: “Con người sống trong tưởng nhiều nên tham sân si nhiều, nên nghi mạn nhiều, nên đau khổ nhiều. Con người luôn sống trong tưởng tri không phải liễu tri. Nên sống điên đảo tình, điên đảo tưởng, điên đảo kiến”.

Khi con quán xét về thân ngũ uẩn, con hiểu con chỉ còn tác ý để xả tâm sợ tưởng là nó sẽ đi sạch. “Nay ta đã sống thiện, sống đạo đức, sống giới luật rồi những tưởng sợ hãi bậy bạ tan sạch ra khỏi thân tâm ta. Tâm bất động thanh thản, không sợ bệnh, không sợ chết”.

3. Tâm con sợ ái: Là con sợ tình thương nhất hướng, tình thương thế tục, tình thương bi luỵ, tình thương đau khổ, tình thương thế gian là tái sanh luân hồi thì tốt con ạ. Vì Đức Phật có dạy: “Phải sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt”. Nên con sợ hãi tâm ái là đúng con ạ.

4. Tâm con sợ nói: Vì con đang ở giai đoạn 3 độc cư nên con đang tập sống không nói chuyện là đúng con ạ. Nhưng có những việc cần phải nói chứ không phải là á khẩu là câm không nói.

Đức Phật và Đức Trưởng Lão đã dạy: “Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh. Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo. Hai câu trên đây, chúng ta phải hằng ghi nhớ trong lòng, để mình không trở thành người hèn kém, nhút nhát, lúc nào cũng là người dám ăn, dám nói thẳng một sự thật”.

5. Tâm con sợ làm: Vì con đang ở giai đoạn 3 tập sống không làm việc. Hôm bữa Thầy đã đọc cuốn Thiền Căn Bản về Pháp Hành độc cư có 3 giai đoạn. Nên tâm con đang tập sống không làm việc sẽ có nhiều khó khăn khi con còn trẻ tuổi. Con cũng nên hiểu, thực ra con đang làm việc rất nhiều đó là chiến thắng từng thằng giặc nội tâm của con. Từng tâm niệm sợ hãi trong con cần phải quét sạch bằng các loại định, bằng pháp như lý tác ý. Con đâu phải cầm cây chổi quét lá quét rác bên ngoài. Mà là ôm chặt pháp hành mà quét lậu hoặc nội tâm. Đây là việc làm vĩ đại con ạ.

6. Tâm con sợ nóng: Phàm làm người ai chẳng sợ nóng. Con ạ, do tâm sân giận, hiềm hận, tỵ hiềm mà phóng xuất ra môi trường khiến cho không khí xung quanh, thời tiết nóng theo là quả. Khi thấy mặt tâm sân giận con phải tác ý ngay liền và quét sạch: “Nghiệp dục sân tan nát ra khỏi thân tâm ta. Tâm mát dịu như nước, tâm thanh thản an lạc ngay liền cho ta”. Khi tâm sân đi sạch, hạ nhiệt, tâm trở về mát lạnh điều hoà thì cái nóng ngoài hay trong thân không quan trọng nữa con ạ.

7. Tâm con sợ lạnh: Giống con, nhiều người sợ lạnh, do nhân làm người vật chúng sanh chịu giá rét, để đông đá, ướp lạnh, ướp đá… mà giờ đây thân tứ đại yếu ớt, sức đề kháng kém nên thường hay sợ hãi thời tiết lạnh làm cho con khổ sở, run bần bật, lạnh hết tay chân, đầu và toàn thân. Con tác ý: “Thân này phải ấm lên, cơ thể phải điều hoà, thân thể mạnh khoẻ cho ta. Tâm bất động thanh thản, không sợ lạnh, không sợ bệnh, không sợ chết”.

8. Tâm con sợ dơ: Là nhân quả trước quá khứ sống dơ dáy, thiếu đức vệ sinh, xả rác bừa bãi, tiểu tiện, khạc nhổ bừa bãi, nên nay con chỉ mới sống đạo đức vệ sinh một thời gian ngắn. Con trả quả tâm sẽ sợ dơ, sợ hôi thúi, sợ bẩn thỉu… Con tác ý: “Từ đây luôn sống thiện, sống đạo đức vệ sinh, dơ đâu dọn đó, chỗ nào bẩn mất vệ sinh ta quyết sẽ làm cho sạch sẽ, thơm tho”.

9. Tâm con sợ bị chê: Ai cũng thích được khen tặng và ghét những lời chê rầy. Do nhân quá khứ thường chê người và con vật. Dù người đó rất tốt, rất giỏi mình biết rõ nhưng cũng tìm điểm gì đó để chê rầy người. Biết người đó rất tài, rất đạo đức, rất thiện lành nhưng vì ganh tỵ mà mình vu oan, vu khống, dựng chuyện, bịa đặt, tạo lỗi, chỉ trích chê rầy người để khiến nhiều người hiểu sai, nghĩ xấu về họ tạo nhiều nhân ác khiến nhiều người vô minh cùng chê rầy, chê trách người tốt người thiện kia. Giờ đây nhân quả mình luôn khổ tâm, sầu não, phiền muộn, đau khổ vì luôn sợ người khác chê rầy.

Ngoài ra, thường gieo nhân khinh khi, chê bai, nói xấu người và con vật cho là xấu xí, đui mù, thấp lùn, đen rỗ, răng hô, trán dồ, mũi gãy, tai … Nên quả luôn sợ hãi người vật coi thường, khinh bỉ. Con tác ý: Chê người là nhân ác, ta phải tránh xa như tránh con đường hiểm”.

10. Tánh xúc động: Là sẵn có trong mỗi người. Từ già, trẻ, lớn bé, nam, nữ, vua quan… Con lại dễ khóc trước những sự đau khổ của người thân, của bạn đồng tu. Đó là đức cảm thông đức bi tâm của con. Nhưng đó cũng chính là tâm trạo cử, tâm ân hận về những việc làm ác, những nghiệp ác con đã hãm hại người trong nhiều đời nhiều kiếp đã qua. Có khi đó là lòng thương tưởng về Ba Ngôi Tam Bảo mà nghĩ đến ơn nghĩa to lớn vô cùng tận của các Ngài mà mình khó đáp đền nên lo tu hành hơn.

11. Tánh dễ buồn, dễ tủi thân: Là con tự làm khổ con. Đây là hạng người ngu Đạo Phật không chấp nhận. Do cũng từ quá khứ thường nói lời nói làm đau lòng người, thường quát mắng làm vật buồn khổ nên giờ đây trả quả hay buồn hay tủi. Đụng việc, gặp cảnh là tự làm khổ mình. Con tác ý: “Buồn khổ phải lui sạch ra khỏi thân tâm ta. Ở đây chỉ có tâm thanh thản an lạc”.

12. Lúc quá vui: Là con không làm chủ, sống chạy theo các trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thấy cái gì cũng thích, ưa nghe lời ngon ngọt, khen tặng, thích mùi thơm, dầu thơm, nước hoa, thích ăn ngon, các món ăn vừa miệng, bánh trái, chè cháo, bún phở, thích y áo, mũ nón, chăn mền êm dịu… thì luân hồi trong cõi người, cõi trần, cõi dục của thế gian. Do con chưa chứng được lý vô thường, khổ, vô ngã, nhân quả, bất tịnh, hợp tan… nên chỉ mới nghe hiểu mà chưa thấm nhuần. Con tác ý:” Các pháp vô thường, thân vô thường nay còn mai mất, không có gì thật có. Tâm bất động thanh thản, an lạc, vô sự”.

13. Lúc vô tâm: Là con tu riết thành cây đá, diệt ý thức, liệt tuệ, để tưởng thức phát triển sai khiến. Lúc quá quan tâm là chạy theo các pháp. Vẫn quan tâm, nhưng ở chỗ bi tâm có trí tuệ hiểu biết về nhân quả. Thương người nghèo khổ, bệnh đau, tai nạn, già yếu … nhưng tất cả là do nhân quả của họ. Mình thương để không nỡ tâm làm họ khổ thêm nữa qua thân miệng ý của mình vì họ đã quá khổ rồi. Mình thương quan tâm và làm được những gì có thể cứ làm. Làm được hay đến đâu hết sức mình thì buông xả cho sạch, không vướng mắc những điều đã cho đi. Con đang ở giai đoạn 3 quay vào sống trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Con hãy quan tâm chính con, quan tâm từng tâm niệm, thân hành, các pháp quanh con, nơi thất hay chỗ con đi kinh hành… Mọi việc đã có cô quản chúng, đã có Thầy, con chỉ lo tu, quan tâm chính mình con ạ.

14. Tâm con thường so sánh hơn thua: Điều này ai ai cũng vậy con ạ. Đây là tâm cực ác cần phải xả cho rốt ráo. Về hữu lậu, vật dụng, đồ dùng: món ăn, trái cây, chè, cháo, bánh trái, y áo, khăn mũ, nón, tất, dép, viết, tập, túi, ly, muỗng… Thấy người đi kinh hành nhiều, người đi ít, thấy người tu giỏi người lười biếng, thấy người tu thanh thản xả tâm tốt, thấy người âu sầu nhiều bệnh thân tâm, người ngồi nhiều, nằm nhiều, viết nhiều, người biết tu, người thực hành kết quả, người luôn tinh tấn, người sáng suốt thông minh, người tối dạ, người tu cực nhọc, người tu thảnh thơi… Rồi con thấy mình ngã, danh, lúc tự cao, lúc tự ti, thích được khen, sợ bị chê… Đó là cách sống tự làm khổ mình mà đạo Phật không chấp nhận.

Cho nên Đức Phật dạy: “Ta phải sống với tâm từ bỏ ngã mạn”. Thầy đã từng nói về điều này, nay Thầy nhắc lại cho con thêm lần nữa. Đức Trưởng Lão đã dạy: “Thấy mình hơn người là người ngu, thấy mình bằng người là người ngu, thấy mình thua người là người ngu nhất”. Vậy có đâu con còn tự cao, tự ti phải không con?

15. Con hỏi Thầy: “Cách nhận biết tu đúng, tu sai, tu có kết quả, tu xong ạ?” Thật quá khó phải không con. Tuổi trẻ tu mấy năm trong tu viện mà giờ con hỏi câu này thật Thầy thấy Phật Pháp sao khó nghe, khó dạy, khó hướng dẫn, khó tu quá.

Thầy xin nhắc lại lời dạy của Đức Trưởng Lão về hai loại trí tuệ mà có lần Thầy đã giảng cho tu sinh:

“Trí tuệ ác là sự hiểu biết về ác pháp; trí tuệ ác làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh; trí tuệ ác là tâm tham, sân, si, mạn, nghi, v.v.. Trí tuệ ác là tâm dao động trước các pháp ác và các cảm thọ; trí tuệ ác là tâm không ly dục ly ác pháp; trí tuệ ác là trí tuệ của những người phàm phu tục tử, hèn nhát, tham sống, sợ chết, tham danh, đắm lợi, vào luồn ra cúi, nịnh bợ, a dua, v.v..

Liệt tuệ là trí tuệ yếu đuối không hoạt động, không làm việc, không chịu tư duy, suy nghĩ, trí tuệ mệt mỏi, lười biếng, uể oải, v.v.. Liệt tuệ là một trí tuệ không có sức đề kháng, là một trí tuệ nhu nhược hèn nhát, yếu mềm; liệt tuệ là trí tuệ tiêu cực, yếm thế đầu hàng mọi ác pháp. Người có liệt tuệ không bao giờ tu theo Phật giáo được. Vì Phật giáo là một tôn giáo tự lực nên không có ai giúp đỡ mình mà phải chính mình vươn lên”.

Vậy con hiểu là bao năm tu tập mà con không nhận ra được tu đúng sai, kết quả hay tu xong con không thấy rõ là con đã bị liệt tuệ hay trí tuệ ác.

Con hãy tự hỏi lại mình: Tại sao con đi tu? Tại sao con lại về Tu Viện Chơn Như để tu tập? Tại sao con muốn sống tu ở Tu Viện để làm gì? Con có thấy cuộc đời này là đau khổ, kiếp người vô thường chăng? Con có thấy cái khổ kiếp người hiện hữu hàng ngày không? Khổ vì đời sống, khổ vì già, khổ vì bệnh, khổ vì chết, khổ vì hận thù, khổ vì chia ly, khổ vì cầu không được, khổ vì thân ngũ uẩn? Những nỗi khổ này từ đâu? Con có thấy phút giây thanh thản, an lạc, vô sự chăng? Con có thấy những lúc tâm con không có tham, sân, si, mạn, nghi con thấy thật an vui giải thoát? Con có thấy nhân quả thiện ác trong cuộc sống qua ba nơi thân, miệng, ý hằng ngày?

Vậy con đã sống đúng giai đoạn 1, 2 chưa? Con đã sống đúng đạo đức Nhân bản – Nhân quả với gia đình, người thân, mọi người ở cảnh động hay chưa? Nếu đã sống đúng thì con đã thấy sự an vui, hạnh phúc thấy rõ sự giải thoát từng phần. Vậy con vào giai đoạn 3 giai đoạn 4 chỉ là để kéo dài trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Có đâu giờ con hỏi ngược lại Thầy tu sai tu đúng, tu có kết quả, tu chứng…con không biết gì hết? Vậy con ở chuyên tu giai đoạn 3 có đúng hay chăng? Con đang ở trong đó làm gì? Con có đi tu để mang danh là đã vào được khu chuyên tu có đúng hay không? Không biết tu tiến hay lùi, không biết mình có kết quả hay lầm lạc, uổng phí thời gian tuổi trẻ, không biết thế nào là giải thoát thế nào là chưa giải thoát? Nếu không biết rõ thì con ở chuyên tu giai đoạn 3 chỉ mang danh nghĩa chứ mất thời gian uổng công vô ích con ạ.

16. Con hỏi cách giữ tâm không phóng dật: Đức Phật, Đức Trưởng Lão đã có nhiều bài kệ, kinh Pháp Cú, 42 bài kệ Sống một mình như con tê ngưu. Thầy cũng đã đọc lời các Ngài mà giảng giải nhiều lần. Giờ con hỏi làm sao để giữ tâm không phóng dật. Con quay lại hỏi chính con có duyên với chánh pháp với Thầy hay không hỡi con? Con đang muốn tạo duyên thưa hỏi Thầy trả lời thư cho con để Thầy hết thời gian, để Thầy phải có trách nhiệm với các con, để làm theo ý các con, muốn hỏi sao thì hỏi, quyền mình hiểu sao thì hiểu, tu sao thì tu, đến đâu rảnh rỗi lại hỏi vui chơi cho ông thầy bận thêm, ông phải trả lời cho mình, dạy mình nhưng mình cứ theo nghiệp duyên của mình tu theo ý mình. Làm như vậy có ý nghĩa gì phải không con?

Con biết rõ tâm con thường phóng dật, các căn chạy theo các trần. Mà nhãn căn, con mắt thường thích nhìn ngó sắc trần, người vật… Tai là nhĩ căn thường thích nghe ngóng thanh trần, lời ca, tiếng nhạc, người nói chuyện… Ý thường nghĩ ngợi chuyện người… Con sống cho thiên hạ, cho các pháp vô thường, là nô lệ cho nhân quả sai khiến phóng tâm, phóng dật, để các căn bất tịnh, ô nhiễm, bợn nhơ… Con cần tự tác ý căn nào nó phóng dật thì nhắc nó quay vào định trên thân. Chạy theo các pháp trần có lợi gì cho mình hỡi con. Lúc này, lúc khác, thay đổi liên tục không ngừng. Có gì là thật đâu con. Thân con đang vô thường thay đổi, thời gian kiếp người ngắn ngủi có đâu để phóng dật chuyện người. Hãy sống quay vào, thanh lọc tâm niệm để tâm luôn thanh thản an lạc con ạ.

Khi con nhận rõ tâm con không bị tham, sân, si, mạn, nghi chi phối. Khi con thấy tâm con được 1 giây bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Khi con thấy tâm con được 1 giây giải thoát mọi khổ đau, phiền não, cảm thọ, ác pháp, nhân quả không chi phối được tâm con. Con đã sống được 1 giây giải thoát rõ ràng, cụ thể, dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Nhìn thấy trạng thái thoát khổ, thì con tự biết giữ gìn, kéo dài, khéo sống, khéo hướng tâm để được nhiều hơn 1 giây. Dần dần con sống được 2 giây, 3 giây, 4 giây, 5 giây, 6 giây, 7 giây, 8 giây, 9 giây, 10 giây Tâm Bất động thanh thản, an lạc, vô sự thì con có ngu gì mà để con sống trong tâm phiền não. Khi nhân quả tác động, ác pháp và cảm thọ tấn công thì con trở về với tâm giải thoát đã sẵn có ngay liền. Có đâu cần hỏi phải không con?

Cho nên, Đức Phật đã dạy: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu”.

Nếu có duyên nghe là tin, tin là tác ý thực hành đúng thì có kết quả ngay liền không chờ đợi con ạ.

Nhiếp Tâm và An Trú Tâm

17. Khi chưa nhiếp tâm được thì không thể hiểu về an trú tâm. Muốn nhiếp tâm được cần sống đầy đủ giới đức, giới hạnh, giới hành thì tâm dễ nhiếp phục. Nhiếp tâm được là bắt đầu điều phục tâm, tâm không còn bị lang thang, phóng dật theo các trần. Bước đầu con tập tỉnh thức trên hành động, hay đi kinh hành, hay hơi thở tầm 5, 10 hơi thở mà thôi. Khi bắt đầu có sức tỉnh thức, biết hơi thở vô ra rõ ràng Thầy sẽ hướng dẫn con tiếp tục ạ. Đừng ráng tu quá sức, đừng chế cách tu, đừng tu theo ý hiểu của mình, đừng tu theo cách riêng, đừng nghe lời nhiều người ô hợp mà Thầy khó dạy, đừng chống báng hỏi một đàng làm một ngả, đừng tự ý lúc thích thì tu lúc thì lười biếng bỏ bê, giải đãi không thèm tu tập… Đến đâu chưa rõ Thầy sẽ hướng dẫn con cụ thể nếu con có duyên, có lòng tin, có tâm tha thiết cầu Pháp Hành, nếu thực tu muốn thoát khổ kiếp người, nếu muốn chứng đạt những gì chưa chứng đạt, Thầy sẽ hướng dẫn tận tâm.

Con đường phía trước còn xa con ạ. Con hãy luôn vững vàng, bền chí, kiên gan mới có thể thắng các giặc nội tâm, giặc sợ hãi, giặc ngã mạn, giặc phóng dật, giặc nghi ngờ… Con cần nỗ lực nhiều thêm nữa để dành phần thắng về mình con ạ. Thầy chúc con thành công từng bước một, thành công từng ngày, từng phút giây để tâm luôn sống với chân lý diệt đế tâm Bất động, Thanh thản, An lạc, Vô sự.

Mùa xuân vĩnh cửu tại Tu Viện Chơn Như, ngày 28/01/2025.

Kính ghi

Tỳ Kheo Thích Mật Hạnh

Xem thêm các tâm thư khác của Đức Thầy Thích Mật Hạnh: tại đây

Tìm hiểu thêm về pháp Như Lý Tác Ý: tại đây