Lạy, Lễ như thế nào? – Trưởng lão Thích Thông Lạc

      Hỏi: Kính thưa Thầy! Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con biết những cách thức lạy lễ như thế nào đúng và như thế nào sai? Ba lạy ý nghĩa như thế nào? Bốn lạy ý nghĩa ra sao? Khi lạy 3 lạy phải đứng lên lạy xuống 3 lần, hay chỉ quỳ xuống lạy một lúc 3 lạy?

      Khi lạy úp hai bàn tay là nghĩa gì? Ngửa hai bàn tay là nghĩa gì? Bàn tay đưa ngang, bàn tay đưa thẳng là nghĩa gì? Kính ngưỡng mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con.

      Đáp: Văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam thường chịu ảnh hưởng đạo đức Tam cang, Ngũ thường và Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của Nho giáo Trung Hoa, và đạo đức nhân bản – nhân quả “Tam Bảo” của Phật giáo Ấn Độ. Hai dòng đạo đức này có khác nhau.

      Lễ là một hành động đạo đức nói lên sự tôn trọng, cung kính của con người đối với con người.

      Nho giáo dạy bốn lạy:

1. Lạy thứ nhất là lạy trời;

2. Lạy thứ hai là lạy đất;

3. Lạy thứ ba là lạy vua;

4. Lạy thứ tư là lạy tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

      Phật giáo dạy ba lạy:

1. Lạy thứ nhất là lạy Phật bảo;

2. Lạy thứ hai là lạy Pháp bảo;

3. Lạy thứ ba là lạy Tăng bảo.

      Chúng ta lạy phải đứng thẳng, chắp hai bàn tay để trước ngực rồi đưa lên trán và trả trở về trước ngực, hai chân quỳ xuống lạy.

      Người nam lạy xong lạy thứ nhất thì đứng thẳng lên rồi lạy tiếp lạy thứ hai, thứ ba. Còn người nữ lạy thứ nhất xong đến lạy thứ hai và lạy thứ ba thì quỳ gối xuống lạy, chứ không nên đứng như người nam.

      Khi đặt hai bàn tay úp xuống, các ngón tay đưa thẳng về phía trước là lạy người đã chết; còn đặt hai bàn tay úp xuống, các ngón tay để ngang nhau là lạy người còn sống.

      Đặt hai bàn tay ngửa, các ngón tay đưa thẳng về phía trước là lạy sám hối với người đã chết; còn đặt bàn tay ngửa, các ngón tay nằm ngang nhau là lạy sám hối với người còn sống.

      Đây là ý nghĩa của sự tôn kính lạy lễ của dân tộc Việt Nam. Một nền văn hóa truyền thống từ nhiều thế kỷ để lại cho dân tộc chúng ta có những đạo đức cao thượng và tốt đẹp, nhưng khoa học phát triển tiến bộ, hiện đại hóa, phục vụ nâng cao đời sống vật chất đầy đủ tiện nghi cho đời sống, khiến người ta quên mất đạo đức của ông cha, mà còn cho những đạo đức đó lỗi thời. Thật là đáng đau buồn. Phải không các bạn?

—————————————–

(Trích: NHỮNG BỨC TÂM THƯ (tập 3, trang 283-285) – Trưởng lão Thích Thông Lạc)