Tâm Thanh Tịnh – Gương Sáng Soi Đời – Đức Thầy Thích Mật Hạnh

TU SINH CHƠN NHƯ

Dưới đây, con xin trích đăng một số bài làm đạt điểm tối đa của các Tu sinh Tu viện Chơn Như trong lớp học “Giới Đức Làm Người” do Thầy Viện Trưởng đứng lớp và một số câu chuyện về Thầy Viện Trưởng của chúng ta.

I/ Bài thi số 5 – Câu hỏi 4

Vệ sinh Tâm, tại sao Đức Phật và Đức Trưởng Lão dạy: “Tâm thanh tịnh, trong sạch thì Thân mới thanh tịnh”?

BÀI LÀM

Kính thưa thầy,

Nói về vệ sinh tâm, Đức Phật và Đức Trưởng lão dạy: “Tâm thanh tịnh, trong sạch thì thân mới thanh tịnh” Con hiểu lời dạy trên như sau ạ:
Thân và Tâm của con người là hai phần vật chất (Thân) và tinh thần (Tâm). Thân và Tâm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau không xa rời. Vì vậy, khi nói về vệ sinh tâm, Đức Phật và Đức Trưởng lão dạy: “Tâm thanh tịnh, trong sạch thì Thân mới thanh tịnh”

Trước hết, chúng ta cần hiểu Tâm là gì? Tâm là phần nằm sau sáu cái biết của mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Còn Thân là do bốn đại: Đất, Nước, Gió, Lửa hợp thành. Đức Phật và Đức Trưởng Lão dạy: “Tâm thanh tịnh trong sạch thì Thân mới thanh tịnh”. Vậy “Tâm thanh tịnh trong sạch” là Tâm như thế nào? Tâm thanh tịnh trong sạch là Tâm không còn đau khổ (lậu hoặc). Tâm nhờ người tu sống đúng oai nghi tế hạnh giới luật của đạo Phật nên Tâm đã ly dục (Trong đó bao gồm cả sắc dục), ly ác pháp. Tức là nhờ phòng hộ sáu căn (sống độc cư) để Tâm không còn chướng ngại mà buông xả sạch. Tâm buông xả sạch là Tâm không còn phóng dật. Tâm không phóng dật là Tâm định trên thân (là Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự ). Tâm định trên thân nhiều giờ thì Tứ Thần Túc xuất hiện. Nhờ có Tứ Thần Túc mà người tu nhập được Tứ Thánh Định và thực hiện Tam Minh, chứng đạo vô lậu hoàn toàn. Như vậy, Tâm đã vô lậu, hoàn toàn thanh tịnh và trong sạch. 

Chúng ta cũng biết, Tâm con người rất là quan trọng. Đức Phật dạy: “Tâm làm chủ, Tâm tạo tác, Tâm dẫn đầu các pháp”. Khi Tâm làm chủ thì mọi việc được an vui, ổn định. Đạo Phật nói giải thoát là giải quyết ở Tâm con người. Vì Tâm làm chủ các pháp nên Tâm an thì pháp an, Tâm không sanh thì pháp không sanh, Tâm thanh tịnh thì Pháp thanh tịnh. Mà Thân cũng là một trong các Pháp, cho nên ta có thể khẳng định: Tâm thanh tịnh trong sạch thì Thân cũng Thanh tịnh!
Khi Tâm thanh tịnh trong sạch thì người ta không còn đòi hỏi sắc dục, đòi hỏi quan hệ xác thân nam nữ nữa, nên Thân cũng theo Tâm mà không sanh khởi sắc dục và đòi hỏi quan hệ nam nữ xác thân. Bằng chứng là người nữ tuy tuổi còn trẻ cũng không còn rụng trứng, tạo ra kinh nguyệt hàng tháng hôi hám, uế trược; người nam thì không còn xuất tinh hôi tanh, nhơ nhớp. Họ là những Bậc Thanh tịnh đã tuyệt dục. Cho nên Đức Phật, Đức Trưởng Lão dạy: “Tâm thanh tịnh, trong sạch thì Thân mới thanh tịnh” là hoàn toàn đúng.
Chúng ta là những người tu theo đạo Phật ngoài vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống chung, chúng ta đặc biệt phải coi trọng vệ sinh Tâm qua các oai nghi tế hạnh và giới luật mà Đức Phật, Đức Trưởng lão đã dạy: Giới luật của đạo Phật là đạo đức giải thoát là một pháp môn trau rồi Thân Tâm để làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người.
Những lời Đức Phật, Đức Trưởng lão dạy đều là những lời tâm huyết của các Ngài dành cho các hàng đệ tử và con cháu mai sau. Để Phật pháp còn trường tồn mãi mãi với thời gian, chúng con quyết trau rồi Thân Tâm cho ngày càng trong sạch, thanh tịnh để đền ơn các Ngài trong muôn một. Những lời các Ngài dạy, chúng con xin y giáo phụng hành.

Con kính cảm ơn Thầy. Con kính chúc Thầy thân tâm thường mạnh khoẻ, an lạc ạ.

Kính ghi: Tu sinh TTN

II/ Những Câu Chuyện Ý Nghĩa Về Thầy Viện Trưởng

Câu chuyện thứ 1:

Trước ngày Lễ Tưởng niệm Đức Trưởng Lão lần 1 năm 2014, 7h tối, chúng con tập trung tại giảng đường của Tu Viện. Phật tử Nguyên thủy khắp nơi về đây, nhưng cũng mới chỉ được vỏn vẹn chừng 200 người. Chúng con được Ban Tổ Chức thông báo 7h30 Thầy Viện Trưởng sẽ tới gặp mặt. Chúng con háo hức đón chờ vì chưa biết Thầy Viện Trưởng là người như thế nào?

Đúng giờ Thầy tới, chúng con đứng dậy chào Thầy và Thầy xá chào chúng con. Sau khi an tọa, Thầy vào thẳng vấn đề luôn:

  • Có Phật tử nào hỏi con về pháp tu không ạ? (Giọng Thầy lúng túng, run run). Con vừa mới xả thất ra, nói còn khó. Con chưa nói trước “đám đông” bao giờ, mọi người thông cảm cho ạ! (Giọng Thầy hơi khàn)

Vài phút trôi qua, giảng đường im phăng phắc. Thầy lại cất tiếng hỏi lần hai:

  • Có Phật tử nào hỏi con về pháp tu không ạ?

Vẫn vậy, chúng con mới biết Pháp nên hâm mộ mà đến chứ chưa tu gì, biết đâu mà hỏi. Những người khác biết lâu rồi cũng không phát biểu. Giảng đường vẫn yên lặng.

  • Có ai hỏi con về pháp tu không ạ? (lần thứ 3 Thầy hỏi)
  • Vẫn yên lặng.
  • Nếu không ai hỏi gì thì con đi vào đây ạ!

Thầy xá chào mọi người. Nói rồi Thầy định bước xuống thì Ban tổ chức đẩy Thầy lên.

  • Đây rồi! Thầy chưa vào được! Câu hỏi đây ạ! Câu hỏi đây ạ!

Rồi Ban tổ chức lần lượt đọc các câu hỏi của Phật tử lên, Thầy cũng lần lượt trả lời cặn kẽ từng câu một. Trả lời câu hỏi về pháp tu dường như là sở trường, sở đoản của Thầy, con thấy Thầy chẳng lúng túng gì hết. Nó như là được phát ra trôi chảy từ sự thực tu, thực chứng của Thầy.

Ôi! Thầy Viện Trưởng đây ư? Thầy hiền lành, chân thật, chất phác như hạt lúa, củ khoai nuôi lớn mạng sống con người.

Ấn tượng đầu tiên của con về Thầy Viện Trưởng là vậy.

Câu chuyện thứ 2:

Năm ấy 2015, sau lễ tưởng niệm Đức Trưởng lão lần 3, chúng con tập trung tại nhà lưu niệm Ngài để nghe Đức Thầy Viện Trưởng chia sẻ pháp tu. Trong đó, Thầy có xen vào kể một câu chuyện về bé Tiểu của tu viện!

Chú bé được ăn chay từ trong bụng mẹ, sinh ra từ trong bọc điều, chú hay quấy khóc, đem gửi chùa nào chú cũng khóc, nhưng đến tu viện thì chú bé cười… Câu chuyện đang hay và hấp dẫn, mọi người im lặng, chăm chú, háo hức lắng nghe thì bỗng nhiêu một cô bé chừng 16 tuổi đang bức xúc về một vấn đề gì đó, cô chen ngang, nêu ra câu hỏi và xin Thầy giải đáp. Con ngồi bên cạnh mau mồm nhắc ngay:

– Kìa cháu, Thầy đang nói mà!

Thầy điềm nhiên bảo con:Không sao chú ạ!” và quay sang cô bé:Cô nói đi, con nghe!”.

Giọng Thầy rất tự nhiên, còn con thực sự sửng sốt. Cô bé chừng 16 tuổi thôi, Thầy đã ngoài 40 tuổi mà xưng “con” với cô bé mới lớn đáng tuổi con mình. Từ nhỏ tới nay con chưa từng thấy ai xưng hô “ngược đời” như vậy bao giờ. Không biết có ông Viện Trưởng nào trên đời xưng hô như Thầy Viện Trưởng của chúng con không nhỉ?

Câu chuyện thứ 3:

Một buổi chiều hè năm 2023, con đang đi kinh hành trong khu chuyên tu nữ. Đường con đi vuông góc với đường đi của một cụ già ngoài 80 tuổi thuộc khu An Dưỡng. Cụ thấp bé, lưng còng cũng đang cố gắng đi kinh hành, còn Thầy Viện Trưởng của chúng con thì đi ngược chiều với cụ.

Thấy Thầy, cụ chắp tay, cúi đầu, xá chào. Thầy Viện Trưởng tiến lại gần cụ, hai chân Thầy khuỵu xuống rất thấp, rất thấp… Thầy cũng chắp tay, cúi đầu, xá chào lại cụ. Thấy cụ đi vất vả, Thầy khuyên cụ đi ít lại kẻo mệt và ngồi chơi giữ tâm Thanh thản, an lạc, vô sự…

Con đi xa dần nhưng hình ảnh của Thầy chắp tay, cúi đầu còn thấp hơn cả cụ còng, cứ mãi in sâu trong tâm trí con. Con vừa đi vừa miên man suy nghĩ: “Không biết trên đời này có ông Viện Trưởng nào có đức lễ giống như Thầy Viện Trưởng của chúng con không nhỉ?”

Câu chuyện thứ 4:

Khoảng gần 5:00h chiều của một ngày hè nóng bức năm 2024, con đang ngồi trong thất tập tu nhiếp tâm và an trú tâm. Bỗng nhiên con nghe tiếng “rào rào” cách mấy bức tường lọt qua cửa sổ, như có đến 3, 4 người đang kéo va ly du lịch, đi vào trong cổng khu Tiếp Nhận Nữ 1 và An Dưỡng. Con nghĩ ngay chắc đoàn du lịch nào đó, thấy cổng mở có ghế đá, vắng vẻ, thanh tịnh nên tự nhiên đi vào nghỉ chân chăng? Con vẫn ngồi cố gắng nhiếp tâm, bỗng nghe thấy tiếng một người đàn ông vang lên: “Sư cô ơi, cô Lan cưới chưa ạ?”. Con liên tưởng ngay, chắc mấy tay đi du lịch này thấy các sư cô già cỡ tuổi cô Lan trong vở cải lương: “Chuyện tình Lan và Điệp” xuống tóc đi tu nên trêu chọc đây. Thắc mắc quá, sao họ dám vào đây mà trêu chọc người tu cơ chứ? Không nén nổi tò mò, con len lén đi ra sau thất xem mấy tay đó ở đâu mà cứ kéo va ly đi tới, đi lui “rào rào” vậy? Con chẳng nhìn thấy ai trên đường, chỉ thấy cây cối hai bên đường được tưới tắm ướt đẫm. Nghiêng ngó qua sau thất bên cạnh, con thấy có 2 tu sĩ bên vườn rau lang. Một người kéo đường ống, còn một người cầm đầu ống nước phun “rào rào” tưới rau.

Ôi, ai kia? Thầy Viện Trưởng! Thầy Viện Trưởng! Biết chắc là Thầy tưới cây cho khu An Dưỡng, con vội lủi nhanh vào trong thất. Xấu hổ quá cho cái “tai cối” của mình! Thì ra không phải: “Sư Cô ơi, cô Lan cưới chưa ạ” mà là “Sư Cô ơi, cho con tưới cây ạ!. (Chả là lúc ấy các sư cô đang ngồi chơi thanh thản trên ghế đá bên đường)

Ôi! Thầy Viện Trưởng của chúng con – một người quản lý cả 1 khuôn viên Tu viện rộng lớn và mấy trăm con người – vậy mà Thầy phải xin phép tu sinh đã hết khả năng lao động của mình để được tưới cây hộ.

Trời ơi, có ông Viện Trưởng nào trên thế gian này giống như Thầy Viện Trưởng của chúng con không nhỉ?

Câu chuyện thứ 5:

Một lần trên giảng đường, Thầy Viện Trưởng có nói về việc mình đi dọn nhà vệ sinh công cộng trong trong tu viện. Và chính con còn thấy Thầy đi dọn rác, thoát nước cho ao tù, moi cống rãnh tồn đọng lâu ngày để mương thông nước tưới cho cây trồng vào mùa hạ. Thầy còn tưới rau, tưới vườn cây ăn quả, đi hái mít xanh cho nhà bếp chế biến. Thầy còn hái dừa, chặt mía ép nước cho tu sinh dùng… Con trộm nghĩ, Thầy Viện Trưởng chỉ làm những công việc lớn thôi như công tác tổ chức, tiếp khách, giảng pháp, đối nội, đối ngoại, phụ trách chung mọi mặt,… chứ việc gì phải làm những công việc chân tay cực nhọc và bẩn thỉu vậy. Hay Thầy không biết lên kế hoạch làm việc và quản lý nhỉ? Thế này thì công việc có lúc chơi dài, có lúc lại chồng chéo dồn dập. Không khoa học! Con sẽ trình Thầy một bản kế hoạch mẫu của năm thật chi tiết gồm có 12 tháng là 52 tuần là 365 ngày để Thầy chỉ việc ngồi đó căn cứ vào kế hoạch từng ngày mà đôn đốc chỉ đạo người khác thực hiện thôi, chứ Viện Trưởng ai lại đi dọn nhà vệ sinh, đi moi cống rãnh kia chứ?

Nhưng rồi con được đọc lại bài kinh của Đức Phật nói về Đạo Phật là không dự tính, chỉ biết sống trong hiện tại, còn vị lai thì chưa tới, mà các pháp đều vô thường,… nên kế hoạch đưa ra trước chỉ làm cho tâm người ta bị phóng dật, không an trú, tăng trưởng lòng tham… Có lẽ Thầy biết rất rõ điều này nên “tùy duyên, không ai làm thì Thầy làm” và Thầy giải thích “cùng làm cùng hưởng”, về đời sống lục hoà, bình đẳng giữa con người với con người”.

“Thân hòa đồng trụ…

… Lợi hòa đồng quân.”

Con thật sự hổ thẹn, Thầy thì giữ 6 giới lục hòa nghiêm chỉnh, còn mình thì đứng ngoài giới mà phán xét Thầy, đem tâm phàm phu, tâm đời để hơn thua, để đo lường tâm của một bậc Thánh Nhân, con thấy mình quá nông nổi, mê muội, ngu si đến thế là cùng.

Con xin cúi đầu thành tâm sám hối trước Thầy.

Thời Đức Trưởng lão còn tại thế, trong băng pháp hành, Ngài đã khen Thầy “Tuổi trẻ tài cao”. Trong lớp chánh kiến Đức Trưởng lão còn kể về Thầy có tâm thanh tịnh: nửa đêm đang ngủ mà thầy vẫn biết ở nơi xa có những tu sinh phá hạnh độc cư, tập trung ngồi nói chuyện với nhau, Thầy đến tận nơi bắt quả tang, chân họ vẫn còn buộc giẻ để đi đêm không dẫm vào gai và phát ra tiếng động. Thầy về báo lại để Trưởng Lão biết. Còn thời chúng ta bây giờ, khi Thầy đi Lâm Đồng làm công việc xây dựng thư viện, nhờ tâm thanh tịnh nên Thầy nhìn thấy rõ 13 tu sinh của Chuyên tu nữ phá hạnh độc cư, tụ tập nhau bàn chuyện. Thầy đã điện về cho thầy Thiện Diệu quan sát tiếp họ và thầy Thiện Diệu đã làm tốt việc này.

Như vậy thời gian (Đêm – Ngày), không gian (gần – xa) đâu có ngăn che được người có Tâm thanh tịnh.

Nói về vệ sinh tâm, Đức Phật và Đức Trưởng Lão đều dạy: “có Tâm thanh tịnh, trong sạch thì Thân mới thanh tịnh”. Chúng con tin tưởng ở Đức Trưởng lão – người có Trí tuệ siêu việt, bậc Thầy của nhân loại – đã chọn người có Thân Tâm thanh tịnh kế vị mình xứng đáng để giữ gìn mạng mạch Phật Pháp mà Ngài đã dày công dựng lại. 

Và hơn thế nữa “Phật giáo là một nền đạo đức Nhân bản – Nhân quả của loài người. Nền đạo đức ấy sẽ giúp con người xây xựng cho mình một cuộc sống Thiên đàng, cực lạc tại thế gian này. 

Vì thế, chúng ta không có quyền dìm mất nó đi một lần nữa. Nó mất đi, loài người trên hành tinh này chịu một sự thiệt thòi rất lớn.”

(Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Mặc cho sóng gió Chơn Như có ào ạt xô vào mạn thuyền Chánh Pháp, chúng con vẫn vững tin ở sự lèo lái của Thầy Viện Trưởng sẽ vượt qua tất cả. Nhớ bài học Thầy dạy chúng con tu tâm trong cảnh động: “Tâm phải được an trú trong tri kiến giải thoát”. Trong sóng gió, chúng con không hề bị “say sóng”, tâm chúng con vẫn đang an trú trong “tri kiến giải thoát”. Dạ, thưa Thầy! Chúng con cung kính cảm ơn Đức Thầy.

Kính chúc Đức Thầy Thân Tâm thường thanh thản, an lạc, vô sự. Chúng con ước nguyện Đức Thầy sống mãi cùng thời gian để chúng con và chúng sinh sau này có nơi nương tựa vào Tăng Bảo – vào Bậc Thầy có bề dày kinh nghiệm tu tập Thiền Định – dìu dắt chúng con biết tu tập đúng Chánh Pháp của Đức Phật không sai một đường tơ và biết sống đạo đức để được giải thoát ạ.

 Kính ghi: Tu sinh Chơn Như