Tâm thư gửi Tu sinh ngày 18-7-2021
LÀM SAO BIẾT MÌNH ĐÃ TU CHỨNG ĐẠO?
Tu viện Chơn Như, ngày 18-7-2021
Kính gửi: Toàn thể quý Tu sinh
Sau khi tu chứng đạo bằng trí tuệ Tam Minh – Trí tuệ của Tâm Vô Lậu; của Lòng Yêu Thương vô bờ bến, thấy sự khổ của chúng sanh và những người còn hữu duyên sẽ tu được như mình nên đức Phật đã tạo duyên giáo hóa cho 1250 vị Tỳ kheo, trong đó có 90 vị chứng Tam Minh, có 90 vị chứng Thiền Định, 320 vị chứng Giới Luật.
Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc cũng giống như đức Phật – Với Lòng Yêu Thương vô lượng, Ngài đã tạo duyên giáo hóa chúng sanh bằng nhiều phương pháp, phương thức, cách thức để hướng dẫn tu sinh cũng chứng đạt được những gì như đức Phật đã thành tựu và như đức Trưởng lão đã chứng đạt được.
Chính vì vậy, trải qua dòng lịch sử phát triển của Tu viện Chơn Như có những pháp thoại về lộ trình đường lối tu tập. Những đầu sách cũng lần lượt ra đời theo thời gian như những cột mốc minh chứng cho trí tuệ Tam Minh – Trí tuệ siêu việt. Nhờ đó là duyên lành cảm hóa biết bao người có duyên với chánh pháp được tu tập mà không uổng phí kiếp người.
“Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu như cái tủ đựng kinh sách”. Xem như tu sinh đã đọc, nghe, học Pháp Bảo không ít thì nhiều. Nên nay, do nhân duyên thấy cần nhắc nhở, chỉnh đốn lại sự tu học của tu sinh cho có kết quả. Mật Hạnh thấy rõ trách nhiệm nên đặt bút viết đôi dòng để kính gửi đến toàn tu sinh tại Tu viện Chơn Như, để không phí uổng thời gian của tu sinh và tránh những hiện tượng ức chế tâm, ghìm nén tâm bị tưởng…
Thực ra quý tu sinh đã chứng đạo – chứng từng phần! Chắc chắn như vậy! Xưa thời của đức Trưởng lão – Ngài đã xác nhận cho nhiều người tu chứng giống các vị Tỳ kheo thời đức Phật như cô Liễu Kim, cô Huệ Ân, thầy Chơn Thành, v.v.. Những bức tâm thư còn đó do đức Trưởng lão trực tiếp xác chứng. Và còn rất nhiều người đã giải thoát không còn luân hồi, tái sanh làm sao Mật Hạnh kể ra cho hết được.
Có tu là có chứng! Mà chứng rất nhiều để xác định rõ sự thành công của đức Trưởng lão đã dày công khó khổ để đào tạo, hướng dẫn. Chỉ có chứng Tam Minh được như đức Phật, đức Trưởng lão thì chưa, nhưng có rất nhiều đệ tử ưu tú đã về Niết Bàn với Ngài.
Đường về xứ Phật không khó! Không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức! Nhưng bằng cách nào??? Tu sinh đã tu chứng đạo nhưng còn chưa thấy rõ mình tu chứng thì làm sao kéo dài trạng thái đó từ 1 phút đến 30 phút? Từ 1 giờ đến 6 giờ liền?
Tâm có tham biết tâm có tham, là giải thoát ngay liền tại đó. Tâm không tham biết tâm không tham. Tâm có sân biết tâm có sân. Mà tâm không sân biết tâm không sân. Nên bài kinh Nhất Dạ Hiền đã xác chứng cho sự tu chứng đạo của ông A Nan:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển,
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết ngày mai chết?
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhất dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.”
Trải qua các bài giảng của đức Trưởng lão, cơ bản tu sinh đã học hiểu về lớp Tam Quy, đã làm bài triển khai tri kiến. Xem như lớp căn bản đầu tiên đã xong. Sau hơn 3 tháng mở lớp Ngũ Giới có trường lớp, tu sinh đã bước đầu triển khai tri kiến về giới luật đức hạnh để xả tâm. Qua việc học trên lớp, qua sự viết bài góp ý xây dựng lớp học và qua bài thi số 1. Mật Hạnh rất hoan hỷ và có lời khen dành cho hạnh kiểm của toàn tu sinh.
Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh là duyên nhân quả ác pháp rất lớn xảy ra trên khắp toàn cầu, khắp hành tinh, khắp các quốc gia. Trong đó có Việt Nam và cụ thể là Tây Ninh cũng có những mầm bất thiện. Cho nên lớp học tạm ngưng và chưa có thời gian cụ thể rõ ràng chừng nào đủ duyên thì sẽ mở lại trường lớp.
Vì vậy, xét duyên nhân quả và vấn đề cấp bách, nước rút như không còn thời gian. Sự vô thường xoay chuyển nhân quả ác pháp và cảm thọ luôn rình rập để rồi trôi lăn uổng phí kiếp người. Mật Hạnh thấy không thể nào chờ đợi hay bị động để nhân quả làm chủ chúng ta được! Qua quá trình xin gặp thưa hỏi, nhận thấy sự tu tập xả tâm của nhiều tu sinh còn khó khăn và mất căn bản khiến Mật Hạnh rất đau lòng.
Trăn trở, tư duy suy nghĩ rất nhiều bằng cách nào để lèo lái hướng dẫn tu sinh tu tập cho tốt?? Để thấy sự chứng đạo là không khó khăn?? Sự tu chứng ngay trước mặt! Không có thời gian, đến là thấy ngay liền – Giải thoát ngay liền! Làm sao tu sinh có thể thấy được sự giải thoát chân thật, không mơ hồ, bằng cách nào đây???
Chính là việc cần học kỹ lưỡng bộ Giáo Án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới – Đức Hiếu Sinh (tập 1, 2, 3); Đức Ly Tham (tập 1); Đạo Đức Gia Đình (tập 1). Mật Hạnh quyết định tất cả tu sinh sẽ được phát đầy đủ 5 tập sách này và sẽ có trình tự học tập, tự tu tập, tự rèn luyện, tự trau dồi như sau:
- 1. Mỗi ngày tu sinh chia thời khóa như sau: 1 thời 3 tiếng vào buổi sáng 7-10 giờ như việc đến lớp thì tu sinh mở bài học và triển khai tri kiến qua các câu hỏi. Tu sinh có khả năng viết bài và tự chấm bài của mình theo thời gian khi đọc lại bài làm, bài viết tu sinh sẽ tự khắc phục được nội tâm, xả tâm ngày một tiến bộ.
- 2. Tu sinh còn trẻ, có sức khỏe và có đức hiếu học thì học thêm 1 thời buổi chiều. Giống như đi đến lớp nghe giảng, về nhà làm bài, chuẩn bị bài tập cho buổi sau đến lớp.
- 3. Hai thời gian còn lại tu sinh tu tập xả tâm, sống với nội tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
- 4. Nếu giờ học mà không nghĩ được gì – đến giờ tu ngồi chơi thanh thản lại lôi bài ra học là chưa làm chủ được tâm, làm chủ được thời gian thời khóa, thì phải nhắc tâm làm chủ cho rõ ràng. Ví dụ nhắc:“Giờ này là giờ ngồi chơi thanh thản, xả tâm, xả sạch, không nhớ nghĩ gì! Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Hay:“Giờ này là giờ học, học phải tập trung, học điều gì hay thì trí não ghi nhớ Pháp Bảo. Nhớ rõ ràng không được quên.
- 5. Tu sinh chỉ nên học 2 buổi, 2 buổi ngồi chơi xả tâm, không nên tăng thêm thời khóa có như vậy mới làm chủ được tâm.
- 6.Tùy theo nhân duyên sự hiểu biết tu sinh có thể triển khai mỗi ngày 1 bài học hoặc là mỗi bài học 2 ngày, 3 ngày tùy theo sức mình. Với cuốn Đức Hiếu Sinh tập 1 là những bài ngắn và nội dung sơ khởi, khái niệm đầu tiên về lòng yêu thương, đức hiếu sinh ý hành, thân hành, khẩu hành… Nên quý tu sinh có thể học thời gian ngắn cho 1 bài học. Nhưng từ cuốn Đức Hiếu Sinh tập 2 trở lên thì đòi hỏi tu sinh cần kỹ lưỡng, cẩn trọng, chi tiết, bình tĩnh, định tĩnh khi học. Tránh sự vội vàng, hấp tấp học cho qua bài, qua chương thì rất uổng phí. Không thấm nhuần được những lời Pháp Bảo quý giá mà đức Trưởng lão đã để lại.
- 7.Học là đi đôi với hành. Có nghĩa là giờ học triển khai tri kiến lòng yêu thương giải thoát bằng ý hành là sự tư duy suy nghĩ để triển khai lòng yêu thương cho rộng lớn ra. Nhờ đó xả sạch tâm, thân hành có thể là viết bài. Nhưng hành ở đây là ý tứ trong mỗi hành động việc làm hay có duyên tiếp xúc với ai thì ứng dụng đức hiếu sinh như thế nào? Là sự giải thoát ngay tại đó không ở đâu xa.
- 8.Nếu không có dịch bệnh Mật Hạnh sẽ có buổi gặp toàn tu sinh để có lời khen tặng nhiều tu sinh rất giỏi, rất đáng khen. Tuy tuổi đã cao nhưng rất siêng năng, cần cù học tập đạo đức và làm bài tốt. Cho nên tùy theo sức khỏe, các cụ hãy lượng sức mình mà học bài theo thời khóa. Mỗi ngày 1 thời 3 tiếng mà thôi. Còn lại ngồi chơi thanh thản.
- 9.Trường hợp các cụ do tuổi cao, có bệnh đau, có cảm thọ khi học bị mệt, khó thở… thì có thể không cần học nguyên 1 thời khóa. Nhưng các cụ có thể lúc khỏe hãy đọc từng bài trong từng trang. Đọc để nhớ đến từ trường đức Phật và đức Trưởng lão để tránh tâm lăng xăng, kém minh mẫn. Còn lại thời gian thì đều hướng tâm sống với tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
- 10.Bên cạnh những người đáng khen trong số bài làm có rất nhiều tu sinh đáng trách, đáng thương! Tu sinh lười biếng, lười tư duy, lười suy nghĩ, lười triển khai tri kiến giải thoát nhưng lại siêng năng phóng dật, siêng năng làm việc không giải thoát, làm nô lệ cho nhân quả mà không hay! Đọc đến bài của tu sinh Mật Hạnh cũng tự trách mình thiếu trách nhiệm, không kỷ luật, không đôn đốc, không kèm tu sinh cho kỹ lưỡng, không hướng dẫn giảng viên cụ thể nên khi kết quả bài Mật Hạnh rất buồn!
Tu sinh đã bỏ tất cả ở đời về Tu viện tu mà giờ tu như vậy thì quá uổng phí thời gian. Tu giải thoát đâu không thấy? Thấy toàn ức chế? Tu lòng yêu thương đâu không thấy! Mà chỉ thấy lười biếng, trí tuệ cùn nhụt, tê liệt. Tu chứng đâu không thấy? Mà chỉ thấy tâm đố kỵ, tị hiềm đầy rẫy ngập trùng?
Mật Hạnh biết quý tu sinh đã về Tu viện nhưng một số bị tác động bên ngoài, nên về đây chỉ mượn chỗ ở rồi tu không chịu học hỏi nên không xả được mà tâm bị ức chế rồi ra ngoài nói lung tung, còn xúi mọi người đừng về Tu viện. Còn một số người thì có tri kiến, chịu thưa hỏi nên biết cách xả tâm không bị ức chế, sống thích thú an vui khi ở Tu viện hay về nhà có đạo đức với xã hội và gia đình, thường sống rất hạnh phúc. Biết diệt ngã, xả tâm, tu sao mà càng tu càng thấy thanh thản, điều gì cũng xả được. Bất kỳ hoàn cảnh nào, người nào cũng chỉ có lòng yêu thương không phân biệt. Tu sao mà ai nhìn vào cũng cảm mến.
Thấy Đạo Đức Giải Thoát mà đức Trưởng lão để lại thật quý giá, không có thời gian, đến để mà thấy. Pháp Bảo đã có! Chúng ta là những người có phước báu vô lượng, phước báu lớn mới đủ duyên được học, được triển khai, rèn luyện, trau dồi. Tự tu, tự học, tự rèn luyện, tự khắc phục thân tâm, tự chứng lúc nào không hay!
Hiện tại tu sinh hãy học cho kỹ 5 cuốn sách giáo án này. Chừng nào tu sinh tự hỏi bản thân và tự trả lời đã thấm nhuần các bài học và đã thực hành trên thân, khẩu, ý thì chừng đó tu sinh hay nghiên cứu thêm sách khác và tu tập những pháp sâu hơn.
Còn giới luật chưa thanh tịnh mà muốn chứng những thứ cao siêu thì không bao giờ có. Móng nhà mà chưa chắc thì xây nhà sẽ đổ ngay. Muốn có tri kiến để thanh tịnh giới luật thì chỉ có học bộ Giáo Án Lớp Ngũ Giới mà đức Trưởng lão đã dày công để lại. Không học thì chắc chắn quý vị sẽ khó thấy mùi vị của tâm giải thoát! Khó vô cùng khó!
Sau khi ác pháp đẩy lui, dịch bệnh tan thì các lớp học sẽ mở lại bình thường. Chừng đó Mật Hạnh sẽ có phương pháp hướng dẫn cụ thể hơn. Còn bây giờ quý tu sinh hãy siêng năng tinh tấn, tự thắp đuốc lên mà đi! Tự mình làm hòn đảo cho chính mình, không nương tựa một ai khác! Mật Hạnh tin chắc học bộ giáo án này, tu sinh sẽ xả sạch tâm, xả rất nhanh mà không còn để quả khổ đau ngự trị lâu dài trong tâm ta như trước nữa. Chỉ còn một lòng yêu thương giải thoát mà thôi.
Xưa chiến tranh, để học được cái chữ thì ông bà, cha mẹ chúng ta đã phải chui xuống hầm đất với ánh đèn dầu leo lét để mà học mặc cho mưa bom, bão đạn. Nay dịch bệnh hoành hành ngăn cản lớp học, nhưng không ngăn được ý chí giải thoát, tấm lòng ham học, đức hiếu học của tu sinh Chơn Như.
Chính bản thân Mật Hạnh cũng đang triển khai học lại thứ tự các bài học từ thấp đến cao. Càng học Mật Hạnh càng thấm lòng yêu thương của đức Trưởng lão. Càng học, Mật Hạnh càng trân trọng, quý giá hơn, biết ơn từng từ, từng chữ mà đức Trưởng lão đã để lại cho toàn nhân loại, đây là 1 kho báu vô giá – Đó là Lòng Yêu Thương!
Đến đây, đã quá dài với bức tâm thư này, Mật Hạnh gửi đến toàn tu sinh trong các khu tu tập và sống gần Tu viện hay những người hữu duyên, hãy trân trọng bộ Giáo Án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới này. Mỗi ngày hãy hướng tâm triển khai tri kiến giải thoát để cứu lấy mình giữa biển đời nhân quả ác pháp khổ đau. Dù ít thôi, nhưng mỗi buổi, mỗi giờ hãy dành cho mình chút thời gian khai thác kho báu quý giá này!
Kính chúc toàn thể tu sinh và mọi người, các cụ, các bà, các cô, các chú, các con, các cháu luôn luôn dồi dào sức khỏe, luôn sống với Lòng Yêu Thương mỗi phút, mỗi giây an lạc!
Kính thư,
Tỳ kheo Thích Mật Hạnh